Metro Bến Thành - Suối Tiên: Vì sao Đại sứ Nhật Bản phải viết thư gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM?

(PLO) - Trong bức thư gửi Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân hôm 16/11, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - ông Umeda Kunio cho hay, hiện nhà thầu thi công tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối tiên đang bị nợ hơn 100 triệu USD. Nếu hết tháng 12 năm nay, số tiền trên không được thanh toán, nhà thầu buộc phải dừng thi công dự án.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 47.325 tỷ đồng

Tư vấn làm việc không lương suốt… 19 tháng!

Theo Đại sứ Umeda Kunio, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được triển khai thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản từ năm 2007. Tuy nhiên, do chậm phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh dẫn tới việc dự án không được Chính phủ Việt Nam phân bổ ngân sách kể từ tháng 10/2017.

Đại sứ Nhật cảnh báo nguy cơ phải ngừng thi công

“Áp lực lên các Nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án sẽ buộc phải ngừng thi công…”, Trích thư của Đại sứ Nhật Bản gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM.

TP.HCM cam kết tạm ứng thanh toán bằng ngân sách Thành phố cho đến khi trung ương phân bổ ngân sách cho dự án. Thế nhưng, việc này chưa được triển khai, hiện tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn đã lên tới hơn 100 triệu USD. Do đó, theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, nếu đến cuối tháng 12/2018 số nợ chưa được giải quyết, thì dự án này buộc phải ngừng thi công.

Ông Umeda Kunio cũng chỉ ra những vướng mắc khiến việc thanh toán bị chậm. Cụ thể, Hợp đồng tư vấn quản lý thi công Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên của liên danh NJPT đã hết thời hạn vào tháng 4/2017. Mặc dù các bên liên quan đã nhiều lần tiến hành đàm phán để gia hạn hợp đồng, nhưng đến nay hợp đồng vẫn chưa được sửa đổi. Do đó, nhà thầu tư vấn buộc phải thực hiện công việc tư vấn mà không được chi trả thù lao suốt 19 tháng qua.

Mặc dù TP.HCM đã thành lập tổ công tác hướng tới việc ký kết sửa đổi hợp đồng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến, nhưng việc nghiên cứu xem xét sửa đổi hợp đồng nói trên không có tiến triển?  Đến nay, số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu NJPT là 20 triệu USD, ảnh hưởng đến việc nhà thầu này thanh toán cho các nhà thầu khác.

Sở Tài chính TP.HCM không chấp nhận thanh toán cho nhà thầu vì chậm trễ thi công do vướng giải phóng mặt bằng, có thỏa đáng?

Vì sao chậm thanh toán cho nhà thầu?

Cũng theo Đại sứ Nhật Bản, một lý do khác là gói thầu CP2 do Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco4 đang chậm trễ vì vướng giải phóng mặt bằng, dẫn tới việc Liên danh nhà thầu này đã thi công vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng hiện tại (tháng 1/2018). Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM đã đưa ra ý kiến không thể thanh toán chi phí thi công sau ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng nên việc thanh toán chi phí thi công từ sau tháng 1/2018 đang bị dừng lại.

Ngoài ra, từ năm 2018, các gói thầu phải được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt thiết kế. Mặc dù việc thi công các gói thầu vẫn đang tiến triển, nhưng việc thanh toán cho phần khối lượng công việc đã hoàn thành đang bị dừng lại. Ngày 29/6/2018, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị ký kết Biên bản ghi nhớ và tạm ứng thanh toán 80% nhưng vẫn chưa được thực hiện.

 “Tôi trân trọng đề nghị Ngài chỉ đạo để các bên liên quan sớm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thanh toán phần khối lượng công việc đã hoàn thành cho nhà thầu”, bức thư gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM của Đại sứ Nhật Bản viết.

Cũng theo ông Đại sứ, các nhà thầu đang nỗ lực tối đa để có thể đưa tuyến đường sắt này vào vận hành vào năm 2020 theo đúng kế hoạch. Do đó, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị Bí thư Thành ủy TP.HCM  chỉ đạo để sớm thực hiện việc giải ngân cho dự án.

Theo tìm hiểu của PLVN, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư 47.325,2 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 gói thầu chính 1A, 1B, 2 và 3.

Từ tháng 9/2016 đến nay, do vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nên kế hoạch vốn ODA hàng năm (cấp phát từ Trung ương) không đáp ứng nhu cầu giải ngân thực tế, riêng năm 2018 dự án không được giao vốn.

Đọc thêm