Cung quá lớn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NT&PTNT), niên vụ 2017-2018 các doanh nghiệp chế biến mía đường trong cả nước đã thu mua, sản xuất chế biến gần 1,5 triệu tấn đường các loại.
Đến hết tháng 9/2018, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong cả nước là 622.040 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 67.584 tấn, do lượng đường tồn kho vụ trước còn lại, cộng với lượng đường tiêu thụ chậm trong những tháng cuối vụ thu hoạch. Nếu cộng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thì con số dư thừa đã lên tới hơn 570.000 tấn.
Trong khi đó, giá bán đường biến động theo chiều hướng giảm và hiện đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, giá đường đầu vụ giảm chỉ từ 13.500 - 14.500 đồng/kg; giữa vụ 12.000 - 12.500 đồng/kg; cuối vụ chỉ còn 10.500 - 11.500 đồng/kg. So với niên vụ trước, giá đường giảm bình quân từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Theo nhiều chuyên gia nhận định, đây là mức giảm lớn và sẽ giảm kéo dài do thị trường đường trên thế giới hiện cung đang quá lớn. Thậm chí, mức giá nói trên sẽ còn tiếp tục xuống.
Bên cạnh đó, nguồn cung các loại đường khác như đường lỏng (HFCS-siro ngô nồng độ fructose cao) hiện đang được nhập vào thị trường Việt Nam với số lượng dồi dào. Điều này tạo nên sự cạnh tranh mạnh đối với đường chiết xuất từ cây mía truyền thống.
Theo tìm hiểu của PLVN, một nguyên nhân khác không thể không kể đến, đó là nạn đường lậu từ Thái Lan tràn vào Việt Nam, đang được bày bán công khai, khó kiểm soát, giá lại rẻ hơn - khiến doanh nghiệp mía đường trong nước thêm lao đao.
Đi lối nào?
Trao đổi với PLVN về thực trạng nói trên, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, chưa bao giờ giá mía đường xuống thấp như vậy. “Mức giá hơn 10.000/kg còn thấp hơn cả niên vụ 1999-2000 hay 2010-2011, trong khi đó, ngành Mía đường năm nay phải đối diện với tác động của khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt”, đại diện Hiệp hội cho hay.
Lý giải về tình trạng mía đường tồn kho lớn và khó tiêu thụ, Chủ tịch Doanh nói vấn đề này không đáng ngại bằng việc người nông dân không còn “mặn mà” với cây mía. “Bởi khi mía đường không tiêu thụ được, các nhà máy, doanh nghiệp không có tiền để trả cho nông dân, dẫn đến bức xúc, thậm chí chán nản, bỏ cây mía để trồng cây khác cho thu nhập”, lời ông Doanh.
Liên quan đến những tác động của các quốc gia lân cận, cụ thể là Thái Lan đang là áp lực lớn đối với ngành Mía đường Việt Nam, ông Doanh cho biết, ở Thái Lan có chính sách bảo hộ cho ngành Mía đường rất lớn, Chính phủ quyết định giá đường chứ không thả nổi. “Thái Lan coi mía là cây của nhà vua, họ hỗ trợ nông dân hoàn toàn về giống và cam kết lợi nhuận cho người nông dân tới 70%. Ngoài ra, Thái Lan còn có chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch: quota A dành cho tiêu dùng nội địa, quota B là cơ sở để tính toán hỗ trợ cho nông dân trồng mía, quota C là phần thả nổi giá. Còn tại Việt Nam, giá mía đường theo cơ chế thị trường, đã khó nay lại càng khó hơn”, ông Doanh nói.
Theo tìm hiểu, diện tích mía đường Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng lại gấp 8 lần. Giá mía nguyên liệu của Thái Lan rẻ hơn 30 - 40% so với Việt Nam. Các doanh nghiệp đường nước này tuy phá giá đường xuất khẩu nhưng vẫn đạt lợi nhuận nhờ kinh doanh đường ở thị trường nội địa.
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã chủ động tìm cách tháo gỡ cho các doanh nghiệp bằng cách phối hợp với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường các địa phương để hạn chế đường nhập lậu. Sau các đợt ra quân của lực lượng quản lý thị trường, đến nay hầu hết tiểu thương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cam kết không bán đường lậu, chỉ bán hàng trong nước. Tại các tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp đầu mối cấp 1, 2 cũng cam kết không nhập đường nào khác ngoài đường từ các nhà máy, doanh nghiệp nội địa.
Để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp, Hiệp hội đã làm việc với Công ty Cocacola Việt Nam. Theo đó, đến năm 2019, công ty nước giải khát này chỉ tiêu thụ đường trong nước để chế biến các sản phẩm của mình. Đây có thể coi là giải pháp hữu ích đối với những khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp mía đường trong nước đang phải đối mặt.
Về đề án tái cơ cấu ngành Mía đường đang trình Bộ NN&PTNN phê duyệt, ông Doanh nhấn mạnh, hiện 100% doanh nghiệp mía đường không còn vốn nhà nước, thời gian tới, các doanh nghiệp phải chấp nhận đối diện với các vấn đề như: Biến đổi khí hậu; cạnh tranh quốc tế; cải thiện về giống và cạnh tranh trực tiếp giữa cây mía với các cây trồng nông nghiệp khác và đặc biệt là sự thiết hụt lao động trong nông nghiệp thời gian tới. “Các doanh nghiệp phải tự đổi mới từ sản phẩm đến quản trị doanh nghiệp, phải đối diện với khó khăn hoặc tự phá sản”, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, cần phải cải thiện giống mía, đầu tư các trung tâm giống để cải thiện và nâng cao chất lượng mía đường Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta cần làm lúc này là “dồn điền đổi thửa” để tạo ra các cánh đồng mía lớn mới giảm được chi phí sản xuất, tạo ra sức cạnh tranh đối với sản phẩm mía đường do chính chúng ta làm ra.
Ở Thái Lan, mía là cây của nhà vua
“Thái Lan coi mía là cây của nhà vua, họ hỗ trợ nông dân hoàn toàn về giống và cam kết lợi nhuận cho người nông dân tới 70%. Ngoài ra, Thái Lan còn có chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch: quota A dành cho tiêu dùng nội địa, quota B là cơ sở để tính toán hỗ trợ cho nông dân trồng mía, quota C là phần thả nổi giá. Còn tại Việt Nam, giá mía đường theo cơ chế thị trường, đã khó nay lại càng khó hơn”, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.