Miền Trung còn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng

 “Tôi mong muốn các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sớm được các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa, làm thế nào để có một cơ chế đầu tư cho các tỉnh miền Trung tốt hơn, nhất là về hạ tầng, giao thông, thủy lợi, tạo được một môi trường tốt hơn cho miền Trung phát triển đi lên cùng với cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Nguyễn Văn Thiện chia sẻ cùng phóng viên Báo PLVN.

“Trong 5 năm tới, đất nước ta sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn về nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... Trong cái chung đó, tôi mong muốn các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sớm được các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa, làm thế nào để có một cơ chế đầu tư cho các tỉnh miền Trung tốt hơn, nhất là về hạ tầng, giao thông, thủy lợi, tạo được một môi trường tốt hơn cho miền Trung phát triển đi lên cùng với cả nước” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Nguyễn Văn Thiện chia sẻ cùng phóng viên Báo PLVN.

Chọn đột phá về hạ tầng và nguồn nhân lực

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, về phía địa phương, Bình Định có đề ra giải pháp gì mang tính đột phá cho việc phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm tới không, thưa ông?

- Đối với Bình Định, chúng tôi xác định trong vòng 5 năm tới, các giải pháp mang tính đột phá trước hết sẽ tập trung vào phát triển kinh tế công - nông nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại. Bình Định sẽ ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn ở trong, ngoài nước vào các khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội, nhà máy sản xuất thép; phát triển nền nông nghiệp theo công nghệ cao trên các lĩnh vực giống vật nuôi, cây trồng; giải quyết đồng bộ các dịch vụ tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải và dịch vụ du lịch.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định
Ông Nguyễn Văn Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định

Ngoài các khu công nghiệp hiện hữu thì chúng tôi sẽ mở thêm một số khu công nghiệp ở phía Bắc tỉnh và đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hạ tầng về du lịch, hạ tầng về cảng biển, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Đột phá thứ hai mà chúng tôi xác định sẽ tập trung thực hiện là đột phá về nguồn nhân lực. Bình Định sẽ huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, khu - cụm công nghiệp, cảng biển, sân bay và hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc gắn kết với các trường đại học trên địa bàn, chúng tôi liên kết, phối hợp với một số trường đại học ngoài địa bàn để tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Mặt khác chúng tôi có chính sách, cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nơi về phục vụ cho khu kinh tế Nhơn Hội. 

Ông suy nghĩ thế nào về bài toán nguồn nhân lực cho phát triển đất nước ta trong giai đoạn hiện nay?

- Theo tôi, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cũng như nhiều văn kiện quan trọng khác đều có đề cập tới vấn đề nguồn nhân lực.

Tôi cho rằng trong những nội dung liên quan đến nguồn nhân lực thì vấn đề hội nhập nguồn nhân lực cho đất nước trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại là yếu tố hết sức quan trọng. Bởi vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách cụ thể để làm thế nào chúng ta không những sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo trong nước mà còn tranh thủ được nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài về.

Cần chính sách hỗ trợ cho từng miền

Trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011- 2020, có đề cập tới 3 đột phá, trong đó có đột phá về thể chế, từ thực tế của địa phương. Theo ông, một môi trường pháp lý như thế nào mới là đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh của tất cả các thành phần kinh tế?

- Một môi trường pháp lý đồng bộ sẽ là đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh của tất cả các thành phần kinh tế. Trên thực tiễn ở cơ sở, không phải văn bản quy phạm pháp luật nào mới ban hành khi đưa vào thực hiện cũng đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trước đó. Tôi cho rằng trong hoàn thiện về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật để mà điều hành đất nước là rất quan trọng. Hy vọng là trong thời gian tới với việc đột phá về thể chế thì hệ thống pháp luật của chúng ta sẽ được hoàn thiện hơn, phục vụ tốt hơn sự phát triển của các thành phần kinh tế.

Trước khi đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, không biết ông có từng gặp khó khăn, vướng mắc nào khi áp dụng các văn bản các quy phạm pháp luật vào quá trình điều hành công việc của địa phương không?

- Trên thực tế thì hệ thống pháp luật cũng như các văn bản dưới luật được ban hành thời gian qua cơ bản là tốt, đã tạo ra môi trường thông thoáng, nhất là trên lĩnh vực đất đai, kêu gọi, thu hút đầu tư... Tuy nhiên, những chính sách ban hành ra như thế, theo tôi, cũng chưa phải mạnh mẽ, thậm chí còn chưa đồng bộ.

Tôi cho rằng tới đây Nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư, nhất là đối với miền Trung, là nơi còn rất khó khăn. Chính sách thu hút đầu tư nên cụ thể hóa  cho từng vùng, từng miền, nơi nào khó khăn thì Chính phủ nên có sự hỗ trợ. Chẳng hạn, chúng ta đặc mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp thì Nhà nước phải có cơ chế đầu tư cho các vùng khó khăn, hỗ trợ về hạ tầng để các tỉnh khó khăn có điều kiện tập trung phát triển công nghiệp.

Nhưng nếu tạo chính sách khác biệt giữa các vùng miền thì liệu có xảy ra tình trạng “vượt rào” không, thưa ông?

- Đó là vấn đề quan điểm. Nếu chúng ta muốn xây dựng đất nước đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp thì các miền Bắc, Trung, Nam cũng phải đạt được các tiêu chí chung của cả nước. Thực tế hiện nay miền trung còn rất khó khăn, nhất là vấn đề hạ tầng. Tôi hy vọng trong thời gian tới khi Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI thì sẽ có cơ chế, chính sách cụ thể cho từng vùng, từng miền, tạo điều kiện cho các vùng, miền ở nước ta phát triển bình đẳng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

- Bình Định nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung (vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm các tỉnh Thừa Thiên Huế; Quảng Ngãi; Quảng Nam; Bình Định và Thành phố Đà Nẵng) có diện tích tự nhiên là 6.039 km2. Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông sắt, bộ Bắc - Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Ngoài lợi thế này, Bình Định còn có nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú và nguồn nhân lực khá dồi dào.

- Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009), Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

- Hiện nay, Bình Định đã và đang tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng theo quy hoạch 8 KCN (chưa tính các KCN trong KKT Nhơn Hội) với tổng diện tích quy hoạch là 1.761 ha, 37 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.519,37 ha, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội (12.000 ha, trong đó có 1.300 ha khu công nghiệp); tập trung xây dựng Thành phố Quy Nhơn (đô thị loại I thuộc tỉnh) trở thành trung tâm tăng trưởng phía Nam của vùng và đầu mối giao thông phục vụ trực tiếp cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng lớn để gắn kết với các khu vực lân cận theo trục Bắc - Nam và Đông Tây; phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế là công nghiệp chế biến lâm - nông - thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, giày da, may mặc, cơ khí, cảng biển nước sâu, sản xuất lắp ráp đồ điện, điện tử, sản xuất điện, phát triển du lịch, dịch vụ hàng hải, thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...

- Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2010-2015 xác định, trong 5 năm tới, Bình Định phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm từ 13-14%; GDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD vào năm 2015. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ để đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 2,8 tỷ USD, tổng thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng đạt 55%, và giải quyết việc làm mới hàng năm từ 25.000-30.000 lao động, tỷ lệ đô thị hóa 40%, xây dựng 20% số xã theo tiêu chuẩn nông thôn mới và hàng năm giảm từ 1,5-2% hộ nghèo.

Hồng Thúy (thực hiện) 

Đọc thêm