“Mở cửa” cho người nước ngoài làm quản tài viên?

(PLO) - Ngày 1/1/2015 - thời điểm có hiệu lực của Luật Phá sản năm 2014 - chỉ còn hơn 2 tháng nữa, chúng ta khó có thể nhanh chóng thành lập, kiện toàn được đội ngũ các quản tài viên nên một số ý kiến đề xuất cho phép cá nhân người nước ngoài được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. 
Ảnh minh họa
Đây chính là một nội dung đáng quan tâm tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản diễn ra hôm qua (14/10) tại Bộ Tư pháp.
Nên “mở” có điều kiện
Hướng dẫn quy định về đối tượng hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (gồm quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản), Dự thảo Nghị định quy định quản tài viên có thể hành nghề với tư cách cá nhân và thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng cho doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. 
Cụ thể, người có chứng chỉ hành nghề quản tài viên chỉ được đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản ở một doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong cùng một thời điểm. Còn với mô hình doanh nghiệp, có thể là doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản hoặc doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ quản lý, thanh lý tài sản.
Đặc biệt, đại diện đơn vị được giao chủ trì xây dựng Nghị định cho biết, Dự thảo Nghị định không có quy định về việc chỉ có công dân Việt Nam mới được cấp chứng chỉ quản tài viên. Không nhất trí với việc “mở cửa” này, một số ý kiến cho rằng không nên cho cá nhân nước ngoài trở thành quản tài viên để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, bởi người nước ngoài không am hiểu hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời khi hành nghề tại Việt Nam họ sẽ phải thông qua phiên dịch, như vậy gây khó khăn, có thể kéo dài quá trình thực hiện thủ tục phá sản. 
Luật sư Diệp Hoài Nam (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đặt vấn đề: “Mở ào một phát có nên không, hay phải có lộ trình”. Một thành viên Hội đồng thẩm định thì băn khoăn về tính khả thi và kiến nghị cá nhân người nước ngoài chỉ hành nghề trong một số trường hợp như doanh nghiệp phá sản có yếu tố nước ngoài, vụ việc có giá trị lớn và không liên quan đến phá sản doanh nghiệp nhà nước và các trường hợp cụ thể khác.
Tuy nhiên, đa số thành viên Hội đồng thẩm định ủng hộ việc cho phép cá nhân người nước ngoài hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Ông Nguyễn Tuấn Linh (Bộ Tư pháp) phân tích, Luật Phá sản không hạn chế người nước ngoài được trở thành quản tài viên nên Dự thảo Nghị định cũng không thể quy định hạn chế đối tượng này. 
Mặt khác, việc cho phép cá nhân người nước ngoài trở thành quản tài viên trong điều kiện nghề quản tài viên mới xuất hiện ở Việt Nam không chỉ giúp quản tài viên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình hành nghề, nhất là đối với những vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, các vụ phá sản có nhiều tình tiết phức tạp, mà còn giúp Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. 
Đồng tình với lý giải trên, bà Lại Thị Thu Hà (VKSNDTC) chia sẻ, việc tạo điều kiện cho cá nhân người nước ngoài hành nghề quản lý, thanh lý tài sản sẽ giúp chúng ta có cơ hội học tập kiến thức cũng như tham khảo kinh nghiệm đào tạo của nước ngoài. 
Nhưng theo bà Hà, cần hạn chế đối tượng người nước ngoài được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo hướng chỉ cho phép luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam và người nước ngoài đã được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật Kiểm toán.
Có giải pháp thu hút quản tài viên
Nhằm bảo đảm tính hấp dẫn đối với quản tài viên và tạo động lực để quản tài viên thực hiện tốt việc quản lý, thanh lý tài sản, Dự thảo Nghị định quy định rõ chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao và chi phí hợp lý khác. 
Cùng với việc nêu nguyên tắc tính thù lao cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Dự thảo Nghị định đồng thời đưa ra Bảng định mức thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng như làm rõ chi phí hợp lý khác của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện dịch vụ quản lý, thanh lý tài sản. 
Song, vấn đề thù lao cũng nhận được hai luồng quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng chỉ nên quy định nguyên tắc chung về cách tính, phương thức tính thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và giao cho Bộ Tài chính tính toán cụ thể mức chi cho phù hợp. 
Ngược lại, đại diện TANDTC kiến nghị phải có quy định cụ thể khung thù lao cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để có cơ sở chỉ định quản tài viên ngay ngày 1/1/2015 khi Luật Phá sản có hiệu lực. Có điều, khung thù lao này vẫn phải đảm bảo vừa có mức cố định, vừa có tỷ lệ phần trăm doanh thu sau khi thanh lý xong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. 
Trong khi đó, tuy cũng tán thành phải quy định luôn khung thù lao trong Nghị định nhưng ông Lê Anh Tuấn (Tổng cục Thi hành án dân sự) đề xuất làm rõ chi phí của quản tài viên có nằm trong chi phí phá sản không để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của các chi phí này.
Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
(Khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014) 

Đọc thêm