Mở cửa sản xuất trở lại: Cần giải “bài toán” tâm lý cho người lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Doanh nghiệp đang dần được mở cửa sản xuất với công suất khống chế dưới 50%. Hầu hết người lao động cũng muốn quay trở lại công việc nhưng vấn đề lo lắng về dịch bệnh vẫn còn đó.
Cần phải giải quyết vấn đề tâm lý cho người lao động khi quay trở lại làm việc.
Cần phải giải quyết vấn đề tâm lý cho người lao động khi quay trở lại làm việc.

Người lao động muốn quay lại làm việc

Kết quả khảo sát nhanh do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO) và nhóm Hợp tác công tư (PPP) thực hiện trong tháng 9/2021 cho thấy, trên 60% người lao động (NLĐ) di cư tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn về quê hoặc đã về quê nhưng sẽ về trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân, con cái. 89% NLĐ di cư và 96% người lao động địa phương muốn quay trở lại công việc và tiếp tục gắn bó với công ty cũ.

Tuy nhiên, TS Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động cho rằng, dù tỷ lệ NLĐ muốn quay trở lại làm việc cao nhưng cũng phải mất từ 3-5 tháng mới có thể quay trở lại nhà máy. Điều này sẽ gây hệ lụy không nhỏ đến doanh nghiệp (DN) bởi hiện nay đang là giai đoạn cao điểm của mùa vụ, sẽ tác động mạnh tới tiến độ hoàn thành đơn hàng.

Theo khảo sát của Trung tâm có đến 68,1% nhãn hàng phạt DN giao hàng chậm; 48,4% chậm giao hàng với các đơn hàng đã ký kết. DN xin lùi ngày xuất hàng thì khách hàng đề nghị giảm giá 15% hoặc nhãn hàng đồng ý giao hàng chậm nhưng DN phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không. Các đơn hàng mùa mới 2022 đã bị tạm dừng hoặc giảm số lượng.

Trong khi đó, bà Phan Thanh Xuân, Phó Chủ tịch LEFASO cho rằng, trong thời điểm hiện nay vấn đề NLĐ chưa phải là nỗi lo quá lớn của DN bởi hiện thời DN mới chỉ được mở cửa 30-40% nên nhân lực vẫn đáp ứng được, lượng NLĐ đăng ký trở lại sản xuất khá lớn. Nếu lập mức “mở full” ngay thì mới lo thiếu.

Hầu hết các DN da giày đều đang gọi NLĐ trở lại dần dần theo lộ trình mở cửa. Bởi hiện nay, nếu gọi ồ ạt quay lại cũng không được làm việc hết công suất. Bên cạnh đó, chi phí test PCR quá cao nên DN cũng phải cân nhắc chi phí bỏ ra trong thời điểm này.

Bà Nguyễn Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký VITAS cũng cung cấp thông tin khá lạc quan khi cho biết, một số DN trong ngành may như Thành Công có đến 86% NLĐ ở lại làm việc, con số này ở Việt Tiến là 80%. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài, tâm lý và tài chính của đại bộ phận công nhân bị kiệt quệ, một bộ phận đang ở quê cũng lưỡng lự “đi hay ở”.

“Nếu địa phương họ trở về có công ăn việc làm khả năng trở lại là khó nhưng những địa phương ít việc làm phù hợp họ sẽ quay trở lại. Hiện nay chỉ có thể trông chờ vào giải pháp của từng DN. NLĐ thấy được chăm lo có thể họ sẽ quay trở lại để sản xuất” - bà Mai nói. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là độ phủ ít nhất 1 mũi vaccine của NLĐ ở 15 tỉnh tập trung ngành may - da giày đạt 73,6% (tính đến 3/10/2021). Sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh sẽ gây hệ lụy lớn nếu dịch lan ra. Ít nhất là nhóm lao động về quê khó tiếp cận vaccine hơn.

Còn đó nỗi lo dịch bệnh

TS Đỗ Quỳnh Chi khẳng định, biện pháp hỗ trợ DN tốt nhất hiện nay vẫn là tiêm vaccine cho NLĐ; nới lỏng biện pháp chống dịch, tạo thuận lợi cho lưu thông giữa các tỉnh; tạo điều kiện cho NLĐ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine làm việc bình thường. Bên cạnh đó cần chú ý tới việc giãn nợ và cho DN vay ưu đãi, nhất là vay để trả lương NLĐ vì thời gian thanh toán đơn hàng sẽ kéo dài.

Đối với DN cần chủ động thương lượng với các đối tác để chia sẻ một phần chi phí từ phí xét nghiệm đến phí vận chuyển bằng đường hàng không. Ngoài ra DN cũng cần tạm ứng tiền trả lương cho NLĐ. Đặc biệt, cần liên hệ thường xuyên với NLĐ để nắm tình hình và hỗ trợ ngay khi cần thiết. Phối hợp với chính quyền các địa phương của NLĐ di cư thu xếp phương tiện, chi phí xét nghiệm, ưu tiên tiêm vaccine để NLĐ trở về nhà máy càng sớm càng tốt. Nhãn hàng đảm bảo thời hạn thanh toán bình thường để DN trả lương NLĐ.

Đại diện LEFASO cũng đặt vấn đề cần tập trung vào giải tỏa tâm lý của NLĐ. Bởi khi quay trở lại sản xuất, NLĐ lo ngại vấn đề an toàn. Bên cạnh đó họ bị vấp phải khó khăn trong vấn đề di chuyển. “Đây mới là vấn đề lớn gây ra cản trở lớn cho mở cửa sản xuất. Nếu ổn định tâm lý NLĐ thì DN mới có đủ nguồn lực duy trì sản xuất” - bà Xuân nói.

Ông Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho biết, trong quá trình tiếp xúc với đoàn người di cư từ Nam ra Bắc, Viện nhận thấy “họ có vấn đề về tâm lý”. Nhiều người không có việc làm không phải do DN không sản xuất mà họ quá lo lắng về bệnh dịch, khi các địa phương nới lỏng phòng chống dịch thì họ quyết định di chuyển về quê. Do đó, điều quan trọng hiện nay là cần phải giải quyết được vấn đề tâm lý lo lắng bệnh dịch ở NLĐ.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm