Mở đường cho vải thiều 'vượt' dịch ngoạn mục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vụ vải thiều năm nay rơi đúng đợt dịch COVID-19 bùng nổ ở Việt Nam. Hầu như các kế hoạch liên quan đến xuất khẩu vải sang thị trường chính (Trung Quốc) bị phá vỡ… Một chiến dịch tiêu thụ vải thiều đã xuất hiện, hướng về thị trường trong nước.
Chiến dịch tiêu thụ vải thiều lớn xuất hiện ngay trong cao điểm dịch COVID-19.
Chiến dịch tiêu thụ vải thiều lớn xuất hiện ngay trong cao điểm dịch COVID-19.

Xoay chuyển tình thế nhanh

Vụ vải thiều năm nay dự kiến có tới 190 thương nhân Trung Quốc đăng ký sang Việt Nam thu mua vải thiều. “Nhưng đến phút chót thì thương nhân Trung Quốc đã không sang Việt Nam do dịch COVID-19” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức chiều hôm qua (17/6/2021). Vì vậy, các kế hoạch khác lập tức được đưa ra để kịp tiêu thụ hơn 150.000 tấn vải thiều chỉ trong khoảng 40-50 ngày.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) cho biết, việc hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản đến vụ đã được Bộ triển khai nhiều năm. Riêng năm nay, do tình hình COVID-19 phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có Chỉ thị 08 về tạo thuận lợi và tăng cường lưu thông cho các xe vận chuyển nông sản.

“Ngay từ đầu năm 2021, Cục XTTM đã trao đổi các thông tin liên quan đến tình hình năng suất mùa vụ để nắm rõ số lượng, sản lượng tiêu thụ. Đặc biệt năm nay có sự vào cuộc của rất nhiều đơn vị trong Bộ như Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, kể cả lực lượng quản lý thị trường nữa. Chúng tôi chuẩn bị cả một chuỗi các hoạt động, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau. Năm nay mở thêm các sàn TMĐT và thí điểm ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho vải thiều đã nhận được nhiều tín hiệu tốt. Tất cả đã mang đến một hiệu ứng rất tốt cho việc tiêu thụ vải thiều trong tình thế đầy thách thức của dịch COVID-19” - ông Chiến nói.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết thêm, ngay khi nhận thấy tình hình tiêu thụ vải sẽ đứng trước khó khăn lớn khi vừa nằm trong vùng dịch, vừa gặp dịch bùng phát ngay đầu mùa vụ, Bộ Công Thương đã tiến hành kết nối các doanh nghiệp (DN) phân phối lớn phối hợp với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời tiếp tục bám sát, hướng dẫn địa phương để có phương án hỗ trợ kịp thời, hạn chế tồn ứ nông sản, đảm bảo lưu thông thông suốt, nông sản không bị ách tắc do khâu lưu thông.

Nhiều cuộc họp trực tuyến đã được tổ chức như Hội nghị trực tuyến với 63 UBND tỉnh, thành phố và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của các địa phương có sản lượng nông sản lớn; các cuộc họp phối hợp với các DN phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết và tổ chức hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch; Hội nghị XTTM trực tuyến với các sàn giao dịch ở nước ngoài để tiêu thụ hàng hóa cho DN, nông dân…

Mở nhiều kênh tiêu thụ đồng thời…

Một chiến dịch “nhuộm đỏ” màu vải thiều trên các sàn TMĐT đã được Cục TMĐT và Kinh tế số thực hiện. Cả 6 sàn TMĐT lớn nhất cùng vào cuộc. Các hệ thống phân phối lớn và siêu thị (như Big C, Vinmart…) cũng lần đầu tiên thực hiện hợp tác với các sàn TMĐT tiêu thụ vải ngoài việc hỗ trợ tiêu thụ truyền thống ở các vị trí “hot” trong hệ thống siêu thị. Các chương trình live stream trên các nền tảng mạng xã hội cũng được thực hiện để tạo cho vải thiều một sức hút mới.

Năm nay, cũng lần đầu tiên, Cục XTTM thực hiện tem truy xuất nguồn gốc cho vải thiều Việt Nam, mang lại hiệu ứng rất tốt ở các thị trường khó tính. Ông Vũ Anh Sơn - Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, từ nhiều năm nay, Pháp luôn đề cao việc nắm rõ nguồn gốc của thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với người tiêu dùng.

Nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có các sản phẩm thịt đã có những quy định bắt buộc về truy xuất nguồn gốc “từ trang trại đến bàn ăn” nhưng đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu, Pháp chưa có quy định bắt buộc. Do đó, quả vải Việt Nam đã đi trước, đón đầu xu thế tiêu dùng mới, đó là xu thế tiêu dùng có trách nhiệm.

Sau nhiều cuộc XTTM trực tiếp và giới thiệu chất lượng vượt trội của quả vải Việt Nam so với các thị trường khác, rất nhiều hợp đồng hợp tác bao tiêu, xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang Nhật Bản đã được ký kết. Bên cạnh đó, các thông tin liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn một số kênh truyền thông uy tín của Việt Nam và Nhật Bản… để đưa vải Việt Nam trở nên gần gũi hơn với đời sống người dân ở Nhật.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, không chỉ xúc tiến đơn thuần về mặt số lượng xuất khẩu và khai mở các kênh phân phối mới, Cục đã và đang thực hiện những bước đi chiến lược để đưa quả vải Việt Nam có sự thâm nhập và phát triển bền vững ở thị trường nước ngoài nói chung và các thị trường khó tính nói riêng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm