Mô hình chính quyền địa phương vẫn chưa rõ

(PLO) - Thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 5/11, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có chung nhận định Dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, Đại biểu (ĐB) cũng góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Hiến pháp với kỳ vọng bản Hiến pháp mới “có sức sống lâu bền”.
Thu hồi đất: tránh lạm dụng, tràn lan
Quá trình lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vấn đề thu hồi đất luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận ở Tổ của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng cho biết: “Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội”.
 Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu tại
Hội trường
ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) phản ánh: “Nhiều ý kiến của cử tri cho rằng quy định này không có tính ổn định”, do vậy theo ĐB này: “Phải được hiến định rất chặt chẽ nhằm tránh lạm dụng thu hồi tràn lan, vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Cụ thể, theo ĐB nên quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng - an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng là đủ. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn).
Với tính chất đặc biệt của việc thu hồi đất với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, vì thế “việc thu hồi đất luôn là vấn đề thời sự” nhưng cũng luôn phát sinh những vấn đề phức tạp, gây xung đột  và là nguyên nhân của khiếu kiện. 
Do đó, nhiều ĐB đánh giá quy định như Dự thảo (Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết…) là thể hiện được sự cân nhắc kỹ lưỡng của Ban soạn thảo, song theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì “thế nào là thật cần thiết, cần thiết ở mức độ nào và ai sẽ xem xét mức độ cần thiết đó”, ĐB Hùng đề nghị cần quy định rõ Quốc hội, HĐND cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét quyết định mức độ cần thiết thì sẽ cẩn trọng hơn, có hiệu quả và khách quan hơn, đồng thời tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thu hồi đất. 
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng băn khoăn về thu hồi trong trường hợp “thật cần thiết”. Theo ĐB, “đó chính là tiền đề cho khó khăn, vướng mắc, xây dựng luật pháp liên quan đến đất đai…”.  ĐB Tường cho rằng, nên cân nhắc theo hướng thay hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước bằng trách nhiệm của Nhà nước với việc thu hồi. Đối với mục tiêu càng làm nhiều càng hiệu quả và nhân dân đồng tình cao, góp phần nâng cao năng lực, bộ máy nhà nước, trách nhiệm pháp lý với nhà nước và công dân ngày càng rành mạch và minh bạch.
Tán thành cơ bản với nội dung về thu hồi đất theo Dự thảo, tuy nhiên, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) lưu ý: “Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật, quy định như vậy là đầy đủ và có tính nguyên tắc. Còn quy định cụ thể những trường hợp nào là thật cần thiết để thu hồi đất sẽ do Luật Đất đai (cũng thông qua trong kỳ họp này-PV) quy định”.
Bỏ hay không HĐND?
Vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: trong điều kiện chúng ta chưa tổng kết đầy đủ, toàn diện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng như thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì Hiến pháp quy định khái quát về mô hình tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, đa dạng hóa trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là phương án hợp lý. 
Theo đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “UBND do HĐND cùng cấp bầu hoặc do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên…”.
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) dẫn hàng loạt số liệu về sự đồng tình hay không đồng tình với mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho thấy sự chênh lệch giữa các con số là không lớn. ĐB này nhấn mạnh: Về nguyên tắc, các chế định trong Hiến pháp phải rõ ràng, việc thí điểm không tổ chức HĐND ta đã làm từ năm 2008 nhưng chưa tổng kết thí điểm, chưa rõ hiệu quả, vì vậy nên giữ nguyên mô hình như Hiến pháp hiện hành.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cũng cho rằng giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là chưa thuyết phục. Việc không tổ chức HĐND  là thiếu thực tiễn, chưa thể hiện bản chất nhân dân, chưa hội tụ đủ yếu tố để Quốc hội quyết định. Theo ĐB Diệu, cần thiết kế theo hướng không nhất thiết địa phương nào cũng phải có 3 cấp hành chính, mà quy định theo hướng mở, ở đâu có đơn vị hành chính, ở đó có chính quyền địa phương.
“Quy định như Dự thảo cho thấy trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương dưới tỉnh nơi sẽ có HĐND, nơi không có HĐND. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, do vậy không thể không quy định cụ thể, rõ ràng. Mặt khác, thiết chế HĐND, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, vì sao không làm HĐND lại tìm cách loại trừ.
Quyền dân chủ ngày càng mở rộng là tất yếu của mỗi quốc gia dân chủ. Do vậy, tôi đề nghị trước mắt giữ HĐND các cấp như Hiến pháp hiện hành. Sau này nếu thí điểm mô hình bỏ HĐND có hiệu quả vẫn bảo đảm quyền dân chủ của người dân thì sẽ tiến hành sửa Hiến pháp” là đề nghị của ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình).
Băn khoăn về vấn đề này, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cũng đặt câu hỏi: “Nếu thí điểm thành công (bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường) nghĩa là ở chính quyền đô thị không có HĐND quận, phường. Vậy khi không có HĐND quận là HĐND cấp trên trực tiếp của phường thì cơ quan nào phê chuẩn UBND phường? Còn nếu thí điểm thành công nghĩa là HĐND có ở mọi cấp chính quyền thì UBND đều do HĐND cùng cấp bầu, chứ không có trường hợp HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn như Dự thảo”. 
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 28/11 tới, sau khi ĐB nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đọc thêm