Mô hình 'Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương' tại Phú Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang triển khai nhiều giải pháp phòng chống ô nhiễm nhựa nhằm hướng tới “Phú Quốc - Hòn đảo không rác thải nhựa”. Trong đó, có thể kể tới sáng kiến “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương” đã và đang đem lại một số kết quả tích cực.

Từ năm 2021, Phú Quốc đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-PKT ngày 16/3/2021 về việc triển khai hành động giảm thải bỏ rác sinh hoạt, rác thải độc hại và ngư cụ trực tiếp xuống biển.

Phòng Kinh tế UBND TP. Phú Quốc đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Công ty Cổ phần Thương mại Khải Hoàn xây dựng và triển khai thí điểm mô hình “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương” (gọi tắt là "mô hình") từ tháng 11/202.

Kể từ sau Lễ khởi động, tuyên truyền và hướng dẫn, 26 tàu cá và 2 tàu thu mua hải sản đã tham gia mô hình, thực hiện thu gom rác thải nhựa đại dương, mang rác về bờ xử lý đúng quy định.

Đoàn tàu cá Khải Hoàn thu gom, phân loại rác thải và mang rác về bờ. (Ảnh: UBND TP. Phú Quốc)

Đoàn tàu cá Khải Hoàn thu gom, phân loại rác thải và mang rác về bờ. (Ảnh: UBND TP. Phú Quốc)

Các tàu cá tham gia mô hình sẽ thực hiện 4 bước: Ký cam kết thực hiện hành động giảm rác nhựa; Nhận dụng cụ, bao lưới từ Dự án để thu gom và lưu trữ rác thải nhựa trên tàu; Tuyên truyền tới thuyền viên trên tàu; Thực hiện cam kết phân loại rác trên tàu và mang rác về bờ.

Kết quả giám sát thực hiện mô hình trong từ tháng 2 đến tháng 4/2022 cho thấy trung bình mỗi tàu cá mang về 160 – 180kg rác sau mỗi chuyến biển 15-20 ngày.

Thành phần rác chủ yếu là bao đựng muối (90%), còn lại là rác tái chế (chai nhựa, lon bia) chiếm khoảng 10%.

Như vậy, cứ mỗi chuyến đi biển về, Đoàn tàu cá Khải Hoàn gom được từ 4 – 4,5 tấn rác, trong đó lượng rác tái chế được khoảng tầm 500kg.

Đến nay, đoàn tàu cá Khải Hoàn vẫn đang bám sát thực hiện chương trình phân loại rác thải và mang rác về bờ để xử lý hàng tháng theo đúng quy định.

Vào tháng 8/2022, tại hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả bước đầu của mô hình Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương với các chủ tàu tại Phú Quốc và các đơn vị liên quan, đã có thêm 06 chủ tàu thực hiện ký cam kết tham gia mô hình.

Về Kế hoạch dự kiến trong năm 2023, Phòng Kinh tế UBND TP. Phú Quốc chia sẻ, sẽ phối hợp với WWF-Việt Nam xây dựng kế hoạch, thực hiện hỗ trợ các công cụ thu gom rác, đóng poster tuyên truyền và tổ chức tập huấn hướng dẫn phương pháp thu gom, phân loại rác, mang rác về bờ…

Đối tượng thực hiện là 06 chủ tàu cá đã ký cam kết nêu trên cùng với các doanh nghiệp có tàu du lịch đang hoạt động tại Dương Đông.

Về lâu dài, Phú Quốc tiến tới triển khai nhân rộng mô hình đến các tàu cá thường xuyên ra vào Cảng cá An Thới, hướng tới “Phú Quốc - Hòn đảo không rác thải nhựa”.

Mô hình "Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương" tại Phú Quốc là một trong những ví dụ thành công trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng WWF-Việt Nam.

Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030”. Đây là động thái quan trọng nhằm khắc phục vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương đang ngày càng trầm trọng tại nước ta những năm gần đây.

Theo báo cáo từ chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2021, rác thải nhựa có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản chiếm ưu thế trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển. Các loại nhựa thủy sản như phao xốp, dây thừng, lưới nhỏ, phao nhựa, dây câu chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng rác thải nhựa.

Đọc thêm