Diễn đàn Du lịch Mê Công được tổ chức hàng năm nhằm mục đích nâng tầm khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) như một điểm đến du lịch chung, cung cấp một nền tảng toàn ngành cho khu vực công và tư để giải quyết các vấn đề du lịch của Tiểu vùng, đồng thời mở rộng mạng lưới tiếp thị và cơ hội quảng bá để thúc đẩy GMS trong khi tập hợp các nguồn lực tập thể để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong ngành.
Dự Diễn đàn có lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam; Trưởng đoàn du lịch các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng; các diễn giả, nhà nghiên cứu từ các tổ chức du lịch quốc gia Tiểu vùng Mê Công mở rộng, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Destination Mekong, Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Du lịch ASEAN và đại diện các doanh nghiệp du lịch trong tiểu vùng; cùng các phóng viên báo chí trong nước và quốc tế.
Du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế vùng GMS, nhận được nhiều quan tâm đặc biệt từ Chính phủ các nước, thu hút sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), cùng các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực tiểu vùng Mê Công lần lượt mở cửa đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và con số này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.
Với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch”, Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 là hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng, do cơ quan cấp nhà nước chủ trì hội nghị kể từ khi đại dịch xảy ra.
Thông qua sự kiện này, các bên liên quan có cơ hội kết nối lại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm truyền thông phục hồi du lịch, đồng thời thu thập những hiểu biết mới về du lịch GMS.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Diễn đàn Du lịch Mê Công và các phiên họp du lịch liên quan được tổ chức định kỳ, góp phần không nhỏ trong việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, nắm bắt thông tin, huy động sự hỗ trợ quốc tế nhằm triển khai các dự án du lịch chung của Tiểu vùng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TITC Tổng cục Du lịch) |
Về phía Việt Nam, trước những thách thức và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch, vượt qua gần hai năm biến động cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự ủng hộ tích cực của các Bộ, ngành, địa phương.
Nhiều văn bản đã được ban hành nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đồng thời thích ứng an toàn, linh hoạt và đẩy mạnh kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch.
Ngành du lịch đã rất chủ động và nỗ lực trong việc thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch.
Đồng thời đưa ra các biện pháp, sáng kiến thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan trong ngành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa một cách đồng bộ, có kế hoạch và hiệu quả để thành công vượt qua khoảng thời gian đầy biến động.
Tổng cục trưởng nhấn mạnh, quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những bài học quan trọng rút ra trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua.
Có thể khẳng định, du lịch Việt Nam đã thành công khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế, được UNWTO ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản đi lại liên quan đến COVID-19.
Tổng quan về tình hình khách du lịch tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm. (Ảnh: TITC Tổng cục Du lịch) |
Nhằm phục hồi đà tăng trưởng du lịch của Tiểu vùng, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng 6 nước thành viên cần tiếp tục cơ chế hợp tác phát triển, xây dựng các sản phẩm mới đa dạng, hấp dẫn, thu hút khách du lịch từ nhiều phân khúc. Trong đó, các nước thành viên tiếp tục chung tay triển khai hiệu quả Chiến lược Du lịch Mê Công 2016-2025 nhằm tăng cường liên kết, hợp tác nội khối, và đem lại những kết quả cao nhất.
Để làm được điều đó, không thể thiếu sự phối hợp, hỗ trợ tích cực về nguồn lực từ các nhà đầu tư khu vực nhà nước cho các cơ sở hạ tầng du lịch và chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời từ các nhà đầu tư khu vực tư nhân cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và vận chuyển.
Trong ngày 12/10, Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022 diễn ra nhiều nội dung quan trọng như: Góc nhìn chuyên gia “Hồi sinh du lịch bền vững - Suy ngẫm về Mê Công”; các phiên thảo luận “Doanh nghiệp công: Một công cụ mạnh mẽ và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”, “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”, “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”…