Đầu tư xây dựng 4 “Nhà trường thông minh”
Ngày 22/8, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Hội nghị do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) chủ trì, được tổ chức trực tuyến tại 32 điểm cầu trong toàn quân.
Báo cáo kết quả công tác giáo dục, đào tạo tại hội nghị, Trung tướng Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Tổng tham mưu khẳng định, hệ thống nhà trường Quân đội đã tập trung điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”.
Công tác dạy học ngoại ngữ, huấn luyện thể lực, kỹ thuật, chiến thuật và diễn tập chiến thuật có nhiều chuyển biến tích cực, vững chắc. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được kiện toàn, phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD, ĐT. Công tác kiểm tra, phúc tra, kiểm định chất lượng GD, ĐT được triển khai thực hiện quyết liệt.
Cùng với đó, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong quản lý, điều hành GD, ĐT và các hoạt động dạy học có hiệu quả. Hoạt động hợp tác quốc tế về GD, ĐT được tăng cường, mở rộng.
Tiếp tục điều chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng tinh gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời bình và sẵn sàng mở rộng lực lượng khi có yêu cầu, trong đó có sự điều chỉnh về tổ chức biên chế và nhiệm vụ của hệ thống nhà trường quân đội, năm học 2019-2020, Bộ Tổng tham mưu xác định 10 nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm là chỉ đạo các học viện, nhà trường tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về đổi mới căn bản, toàn diện GD, ĐT; nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phòng không - Không quân và Cao đẳng Biên phòng; triển khai kế hoạch giải thể các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trường quân sự tỉnh, thành phố theo Quyết định của BQP.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới, Thượng tướng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo trong toàn quân tập trung khắc phục những hạn chế, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp thực hiện tốt 10 nội dung trọng tâm.
Trước hết, tập trung quán triệt, triển khai các nghị quyết của trên về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và nâng cao chất lượng huấn luyện. Tập trung đầu tư xây dựng 4 học viện, nhà trường theo mô hình “nhà trường thông minh”, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, tạo sự liên thông trong quản lý, điều hành giữa các cơ quan, đơn vị và các trường; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật mô phỏng và sử dụng bản đồ số trong huấn luyện chiến thuật.
Cùng với tiếp tục hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong các NTQĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thượng tướng Phan Văn Giang cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phúc tra, kiểm định chất lượng, đánh giá thực chất kết quả GD-ĐT và xây dựng chính quy của các học viện, nhà trường.
Tập trung xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật, mất an toàn giao thông, mất an toàn trong huấn luyện, diễn tập...
Cần khắc phục những tồn tại
Để tận dụng tốt cơ hội của cuộc CMCN 4.0 mang lại, các học viện, nhà trường quân đội đã và đang nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng phương thức GD, ĐT tiên tiến, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng CNTT, trang thiết bị vật chất, kỹ thuật, nhằm hiện thực hóa việc xây dựng “Nhà trường thông minh”.
Triển khai Kế hoạch “Hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc CMCN 4.0 giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo” được Bộ trưởng BQP phê duyệt, Trường Sĩ quan Lục quân 1 là một trong số 22 NTQĐ được lựa chọn làm điểm đầu tư xây dựng mô hình nhà trường thông minh.
Sau khi có chủ trương của trên, nhà trường thành lập hội đồng thẩm định, tiến hành khảo sát 7 nội dung chính bao gồm các hệ thống: Hạ tầng CNTT; phòng học tiên tiến; ứng dụng CNTT; đào tạo trực tuyến; trung tâm học liệu; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và nguồn nhân lực CNTT.
Hiện nhà trường đã có một số nội dung tiệm cận đáp ứng yêu cầu nhà trường thông minh như: Hệ thống cáp quang dài gần 8.000m kết nối từ sở chỉ huy đến các cơ quan, đơn vị; hệ thống mạng kết nối với BQP và nội bộ nhà trường; các phòng học chuyên dùng, mô phỏng...
Nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận CMCN 4.0, Học viện Phòng không-Không quân đã có hệ thống phòng học chuyên dùng, mô phỏng hiện đại và trung tâm huấn luyện thực hành. Học viên được huấn luyện thực hành trên thiết bị mô phỏng buồng lái các loại máy bay Su-30, MiG-21, Su-22, Su-27 và các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, một trong những tồn tại rõ nhất là quy trình, chương trình đào tạo cán bộ tại các nhà trường, học viện thời gian vừa qua còn trùng lặp, chất lượng GD, ĐT, xây dựng chính quy của một số nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kết quả học tập của một số học viên còn thấp; trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên chưa đáp ứng với yêu cầu tạo nguồn đi đào tạo sau đại học, đào tạo ở nước ngoài và xét các chức danh, danh hiệu nhà giáo, còn để xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật, mất an toàn giao thông, mất an toàn trong huấn luyện.
Muốn có trò tốt phải có thầy tốt, để nâng cao chất lượng GD, ĐT, nghiên cứu khoa học và hiện thực hóa mô hình nhà trường thông minh thì vấn đề then chốt của các nhà trường Quân đội là phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0.