Mô hình TPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

(PLO) - TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế, vừa có tính toàn diện, vừa có mức độ cam kết sâu và rộng. Việc tận dụng được cơ hội để hạn chế và vượt qua thử thách sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nhập cuộc một cách mạnh mẽ hơn, công bằng hơn.
TPP được các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng khi mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đàm phán sâu về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và các rào cản thương mại. Điều đó sẽ đưa đến mức độ tự do hóa càng cao, các cam kết sẽ đi sâu hơn, quyền lợi và nghĩa vụ  hay cơ hội và thách thức sẽ lớn hơn. TPP được khởi động từ tháng 3/2010 và đã trải qua 19 phiên chính thức và thêm nhiều phiên giữa kỳ. Hiệp định gồm 12 thành viên là Brunay, Chi lê, New Zealand, Singapore, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản. TPP – được xem là mô hình mới kỳ vọng về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối ưu cho đầu tư, thương mại và cơ sở làm hạt nhân xây dựng một Hiệp định thương mại tự do chung cho toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Một số nét khái quát cơ bản về tiềm lực của 12 thành viên tham gia đàm phán TPP
12 thành viên này chiếm 24,9% về diện tích thế giới; 11,1% về dân số; 37,7% GDP; 19,3% về xuất khẩu và 21,1% về nhập khẩu.  Trong 12 thành viên TPP, Việt Nam đang đứng thứ 8 về diện tích, đang đứng ở vị trí thứ 8 về xuất, nhập khẩu; đứng thứ 11 về GDP. Hiện nay, Việt Nam chiếm 0,5% về GDP, 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của TPP. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào TPP năm 2013 chiếm 39%; Nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 từ TPP chiếm 22,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; Xuất khẩu của Việt Nam vào TPP chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước thành viên TPP, điều này cho thấy TPP là thị trường tiềm năng của Việt Nam.
Hiện nay, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Indonesia đang tỏ ra đặc biệt quan tâm đến TPP và đều mở ra khả năng tham gia với tư cách thành viên chính thức, các vấn đề nằm trong chương trình đàm phán gồm: Thuế quan, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tính mạng và sức khỏe, cạnh tranh và mua sắm công, mở rộng quyền và quyền lợi người lao động… TPP hướng tới một sân chơi nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế nên mục tiêu đặt ra rất cao, khác với các vòng đàm phán trong khuôn khổ WTO, đàm phán TPP có phạm vi rộng hơn nhiều. Ngoài các vấn đề về thị trường hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ … như ở WTO, TPP còn đề cập vấn đề mua sắm của chính phủ, vấn đề lao động, môi trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cơ hội đối với Doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, TPP sẽ tạo điều kiện tốt nhất hiện nay cho xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN), vì TPP là một thị trường bao gồm các thị trường lớn, với các mặt hàng được hưởng lợi nhiều như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản. Mỹ được xem là thị trường lớn nhất của ngành dệt may mà DNVN sẽ có những mặt hàng chiến lược để xuất khẩu sang thị trường Mỹ là các sản phẩm may mặc như dệt may, quần áo, giày da… hiện đang còn chịu thuế suất MFN cao. Khi TPP được thông qua, thuế suất với ngành nghề may bằng 0% thì DNVN có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Mặt khác, TPP có thể mang lại cho xứ nhiệt đới như Việt Nam với các hàng nông sản là rau quả chế biến…
Thứ hai, Thông qua TPP, Việt Nam sẽ tiến tới xây dựng cân bằng các quan hệ thương mại với các thị trường trọng điểm, tránh quá lệ thuộc vào một thị trường khu vực nhất định như Đông Á mà Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu thường xuyên ở mức trên 60%, trong đó phải kể đến là sự lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc luôn nhập siêu khoảng 20 tỷ USD/ năm, sẽ tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế khu vực biến động bất lợi.
Thứ ba, TPP sẽ hỗ trợ và giúp cho xuất khẩu của DNVN có cú hích thực sự nhờ quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như  Mỹ, Canada và Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP. Theo tầm nhìn, DNVN khi được áp dụng thuế suất bằng 0% thì hàng dệt may và giày dép, nông sản, đồ gỗ Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần thị trường ở các nước TPP, nhất là đồ gỗ sẽ được rất nhiều thuận lợi khi vào thị trường Mỹ.
Thứ tư, TPP cũng góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ các nước thành viên TPP và một số nước khác ngoài TPP đến với các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác TPP sẽ giúp cho nền kinh tế Việt Nam phân bố lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn với các cam kết sâu, rộng hơn WTO, góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Những thách thức đối với DNVN

Thứ nhất, DNVN phải cạnh tranh bình đẳng các doanh nghiệp các nước tham gia TPP khi thuế nhập khẩu giảm về bằng 0%, thị trường đầu tư, dịch vụ, thương mại phải mở cửa tự do. Mặt khác, chi tiêu của Chính phủ cũng bị ảnh hưởng chi phối trong khuôn khổ TPP. Sức ép sẽ đến từ các nước mà Việt Nam hiện chưa có quan hệ FTA, bao gồm Mỹ, Canada, Mexico và Peru. Những ngành hàng mà DNVN thực sự gặp khó khăn khi xuất khẩu như thịt bò, thịt lợn, đường, thực phẩm chế biến, hóa phẩm tiêu dùng và ô tô. Riêng với xăng dầu, tác động lớn sẽ làm Việt Nam mất đi một công cụ điều hành giá quan trọng trong nền kinh tế. Mỹ đã liên tục thâm hụt thương mại hàng hóa với các TPP từ 167 tỷ USD trong năm 2002, đến 2007 tăng lên 247 tỷ USD nhưng đã giảm xuống 155 tỷ USD trong năm 2012; và thặng dư về thương mại dịch vụ từ 33 tỷ USD trong năm 2002 tăng lên 78 tỷ USD trong năm 2011. Tuy nhiên, có những mặt hàng vẫn được bảo hộ cao như lá thuốc lá, muối, trứng gia cầm, thép, giấy … do các nước TPP không xuất khẩu hoặc xuất hướng sang một số phân khúc thị trường khác.
Đối với nhà nước, liên quan đến thị trường mở cửa dịch vụ, đầu tư, sức ép đến từ những ngành chính như Ngân hàng, thương mại bán lẽ và viễn thông. Hiệp hội các nhà bán lẽ Việt Nam và các doanh nghiệp bán lẽ cho rằng không nên mở cửa rộng hơn nữa, mà nên hạn chế chặt việc mở điểm bán lẻ của DN có vốn đầu tư nước ngoài là những DN có sức mạnh thị trường, dễ phát triển thành chuỗi cung ứng đễ dàng gây ảnh hưởng đến DN bán lẽ trong nước. Mặt khác, TPP sẽ điều chỉnh có ảnh hưởng và rủi ro về thất thu ngân sách do giảm thuế nhập khẩu, tuy nhiên số thu từ thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên để bù đắp lại.
Thứ hai, DNVN đang đứng trước thách thức quan trọng nhất là việc tiến hành cải cách thành công DNNN để thu lợi tối đa từ TPP, do kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, nhiều DN suy kiệt mà đặc biệt bởi việc sử dụng vốn và quản trị thiếu hiệu quả của nhiều DNNN. Nói cách khác, để tái lập niềm tin cho giới DN, Chính phủ phải tập trung ngay những ưu thế cho khu vực kinh tế tư nhân mà DN tư nhân làm trọng điểm, giảm thuế thu nhập DN từ 25% xuống 20% từ năm 2014, mở cửa cho cơ chế thị trường thực sự, tạo sự công bằng, sân chơi bình đẳng cho khu vực DNTN và các DNNN cùng tham gia, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra thị trường khu vực.
Tóm lại, TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế, vừa có tính toàn diện, vừa có mức độ cam kết sâu và rộng. Việc tận dụng được cơ hội để hạn chế và vượt qua thử thách sẽ thúc đẩy các DN trong nước nhập cuộc một cách mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, DNVN cũng mong chờ những thay đổi căn bản từ chính sách của Chính phủ được Thủ tướng nhấn mạnh trong bài diễn văn đầu năm 2014, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và DNVN cũng như người dân sẽ ổn định trở lại khi Chính phủ thực hiện được các cải cách thể chế và điều hành kinh tế một cách mạnh mẽ hơn.

Đọc thêm