Dự thảo Thông tư có nhiều nội dung mới đáng chú ý nhằm triển khai thi hành quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm.
BLDS năm 2015 đã có một thay đổi quan trọng là thuật ngữ “đăng ký giao dịch bảo đảm” được thay đổi thành “đăng ký biện pháp bảo đảm”. Để đưa quy định mới này vào cuộc sống, Nghị định 102 cũng thay đổi thuật ngữ “đơn yêu cầu đăng ký” thành “phiếu yêu cầu đăng ký”.
Đồng thời, Nghị định 102 bổ sung căn cứ từ chối, điều kiện từ chối đăng ký trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có tranh chấp; bổ sung quy định mới về đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký trong trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm; đơn giản hóa và quy định cụ thể hơn về hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Với những thay đổi trên, TTLT 09 đã không còn thống nhất với Nghị định 102. Hơn nữa, qua tổng kết thực tiễn thi hành, bên cạnh kết quả đạt được thì TTLT 09 có một số hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục.
Đáng chú ý là quy định về đối tượng áp dụng bao gồm cá nhân, tổ chức khác tại khoản 3 Điều 2 TTLT 09 không còn phù hợp với quy định của BLDS 2015 và Nghị định 102. Theo đó, chủ thể tham gia giao dịch dân sự chỉ giới hạn bao gồm cá nhân, pháp nhân và hộ gia đình sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Không những thế, nội dung hướng dẫn về tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại TTLT 09 chưa thực sự rõ ràng dẫn đến có sự thắc mắc về tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, từ đó chưa “giải phóng” được nguồn lực của loại tài sản này. Chẳng hạn, chỉ có nhà ở, công trình xây dựng trong dự án mới được xác định là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai hay toàn bộ dự án cũng có thể được xác định là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…
Từ những thực tiễn vướng mắc trên, đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đề xuất quy định thêm về chủ thể trong dự thảo Thông tư là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khác có yêu cầu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Nghĩa là, các đối tượng là người sử dụng đất không có tư cách pháp nhân nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận nếu có nhu cầu đăng ký thì cũng là đối tượng áp dụng Thông tư này. Có như vậy, các chủ thể khác không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể là người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất vẫn có quyền xác lập, thực hiện giao dịch và thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Cùng với đó, dự thảo Thông tư hướng dẫn nộp một số giấy tờ trong hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai. Cụ thể, đối với trường hợp đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai mà bên thế chấp không đồng thời là người sử dụng đất thì hồ sơ đăng ký không cần có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà chỉ cần các loại giấy tờ đã được quy định tại Nghị định 102…
Trả lời một số câu hỏi của Thứ trưởng về thẩm định dự thảo Thông tư, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Trong quá trình thẩm định, dự thảo Thông tư không còn quy định về bảo lưu quyền sở hữu, trong khi đây là một biện pháp bảo đảm mới được ghi nhận tại BLDS 2015.
Với biện pháp này, theo ông Tuyến, Cục Đăng ký nên làm việc lại với đơn vị liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Về thủ tục hành chính, ông Tuyến cho hay, dự thảo Thông tư không phát sinh thủ tục mới nào mà còn cắt giảm được một số điều kiện. Riêng chủ thể áp dụng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Hồng Hải băn khoăn, trường hợp đất thuộc sở hữu của nhiều người thì chủ thể đăng ký là ai…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý Cục Đăng ký phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thêm một số quy định, trong đó có quy định về bảo lưu quyền sở hữu. Đối với vấn đề thủ tục hành chính, Thứ trưởng yêu cầu phải có quy định rõ ràng trường hợp nào được từ chối đăng ký, tránh khi có vướng mắc thì các cơ quan lại “đổ lỗi” cho nhau.
Thứ trưởng cũng đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo để Thông tư được ban hành sẽ thúc đẩy giao dịch dân sự, thương mại một cách an toàn, góp phần thực hiện chủ trương chung của Chính phủ.