Mở rộng đối tượng hiến tạng: Cần giám sát chặt chẽ để tránh tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Y tế được giao lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi), bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Một trong những vấn đề được Bộ này đề xuất, cũng như được nhiều người quan tâm là nên mở rộng đối tượng hiến tạng.
Một ca ghép tạng.
Một ca ghép tạng.

Đề xuất cho phép người dưới 18 tuổi hiến tạng

Bộ Y tế cho hay, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 tính đến nay đã có hiệu lực thi hành hơn 15 năm. Theo thời gian, một số quy định của Luật đang bộc lộ bất cập so với thực tiễn. Cụ thể, Luật quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Bộ Y tế đánh giá quy định trên là hoàn toàn phù hợp, nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người hiến trong tương lai, tránh những biến chứng suy cơ quan vì cuộc sống của những người dưới 18 tuổi còn lâu dài.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, cần có sự thay đổi để phù hợp với thực tế, bằng việc xem xét chấp nhận nguyện vọng hiến tạng của cả người dưới 18 tuổi đã chết não, nếu người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp của họ đồng ý. Lý do mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng để cấy, ghép cho người bệnh, nhất là những người bệnh dưới 18 tuổi. Bộ Y tế nhận định, khi người thân thích và bản thân người chết đều có nguyện vọng hiến tặng thì cần xem xét để họ được thực hiện nhằm mang lại sự sống cho nhiều người khác, đồng thời tăng thêm nguồn mô, tạng được tiếp nhận.

Cùng với đề xuất cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tạng, Bộ Y tế cũng đề cập đến việc xác định chết não của người hiến tạng. Luật hiện hành quy định bắt buộc phải có 3 lần xác định chết não và mất tối thiểu 12 giờ tính từ lần xác định chết não đầu tiên. Bộ Y tế cho rằng như vậy là quá lâu, gây tốn kém kinh phí xác định chết não cũng như kinh phí hồi sức tích cực người chết não. Đặc biệt, việc kéo dài thời gian xác định chết não sẽ làm mất cơ hội vàng để lấy được mô, tạng của người hiến chết não. Ngoài ra, Luật cũng quy định bắt buộc phải có đủ 3 chuyên gia (hồi sức cấp cứu, thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh và giám định pháp y) để xác định chết não. Theo Bộ Y tế, việc bắt buộc phải có chuyên gia giám định pháp y là không phù hợp, bởi các tiêu chuẩn cận lâm sàng của chết não khác với tiêu chuẩn cận lâm sàng của người đã chết hẳn (tim ngừng đập).

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, với người hiến khi còn sống, bên cạnh quy định độ tuổi từ đủ 18 đối với người hiến tặng cùng huyết thống, cần bổ sung quy định mở rộng điều kiện độ tuổi đối với người hiến tặng không cùng huyết thống. Theo đó, cần nâng cao độ tuổi hiến tặng lên 30 hoặc 35 tuổi, bởi ở độ tuổi này người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, do đó với quy định này, cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng mua bán tạng hiện nay.

Đối với trường hợp chết não, theo ông Phúc, người dưới 18 tuổi cần được xem xét chấp nhận khi được người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp của họ đồng ý, bởi mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng để cấy, ghép cho người bệnh được, đặc biệt cho những người bệnh dưới 18 tuổi và khi những người thân thích và bản thân của người chết đều có nguyện vọng muốn hiến tặng thì pháp luật cần xem xét cho phép chấp nhận.

Cần quy định cụ thể và giám sát chặt chẽ

Mong muốn của Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng là đề xuất của đa số các chuyên gia, bác sĩ và nhiều người dân.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, căn cứ vào thực tiễn xã hội, quá trình phát triển kinh tế và giao lưu quốc tế thì việc quy định người dưới 18 tuổi được hiến tạng là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, thủ tục cần được quy định chặt chẽ để tránh tình trạng lạm dụng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ em.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được ban hành từ năm 2006. Theo nội dung của Luật này thì người từ 18 tuổi trở lên mới là đối tượng được hiến tạng. Thực tiễn áp dụng văn bản pháp luật này cho thấy rất nhiều trường hợp người dưới 18 tuổi có mong muốn được hiến tạng, cha mẹ có nguyện vọng hiến tạng của con mình khi con đã chết não nhưng không được chấp nhận. Trong khi đó rất nhiều người có nhu cầu về tạng thì không có nguồn để cấy ghép. Bởi vậy việc sửa đổi quy định về độ tuổi được hiến tạng, cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tạng là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.

Tuy nhiên, để mở rộng đối tượng người dưới 18 tuổi được phép hiến tạng thì cũng cần quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục và các biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh trường hợp lạm dụng việc hiến tạng để xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền công dân. Bởi người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng đầy đủ để tự bảo vệ bản thân nên dễ bị lợi dụng, lạm dụng, dễ trở thành nạn nhân trong các vụ việc mua bán người, xâm phạm đến thân thể.

“Tôi cho rằng việc quy định chỉ trường hợp người dưới 18 tuổi đã chết não thì mới thuộc đối tượng được hiến tạng là cần thiết, bản chất đây là hiến xác khi người dưới 18 tuổi đã tử vong. Việc hiến xác, hiến tạng trong trường hợp này có thể cứu sống được một hay nhiều người khác và đó là vấn đề nhân đạo!” – Luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Cường, việc sửa đổi, bổ sung quy định này không chỉ căn cứ vào tình hình thực tiễn thực hiện văn bản luật này 16 năm qua mà còn căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và học hỏi các quốc gia khác trong lĩnh vực này. Hiện nay cũng đã có một số quốc gia có quy định cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tạng, tuy nhiên điều kiện, trình tự thủ tục để hiến tạng với người dưới 18 tuổi cũng được các quốc gia quy định chặt chẽ, Việt Nam có thể nghiên cứu học hỏi các quy định này để áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Đọc thêm