Nên thu hẹp đối tượng không chịu thuế vì nếu “phình” ra là đi ngược với chiến lược cải cách thuế là ý kiến của đại đa số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) chiều qua 28/5.
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ |
Cần thu hẹp đối tượng
Trước đó, tại Tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Chính phủ thừa nhận, một trong những hạn chế của Luật thuế GTGT hiện hành về đối tượng không chịu thuế là tiêu thức xác định hộ, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế GTGT căn cứ theo mức tiền lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực DN mà không căn cứ vào doanh thu nên không phù hợp với bản chất thuế GTGT là thuế gián thu thu theo hàng hoá dịch vụ, gây khó khăn, phức tạp cho cả người nộp thuế và công tác quản lý. Một số nhóm hàng hoá, dịch vụ có tiêu thức xác định không chịu thuế chưa được quy định rõ hoặc được quy định vừa theo mục đích sử dụng, vừa theo bản chất của hàng hoá, dịch vụ hoặc theo đối tượng cung cấp nên phát sinh vướng mắc trong thực hiện.
Dự thảo sửa đổi lần này vẫn giữ 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhưng sửa đổi đối với 6 nhóm theo hướng tăng thêm loại hàng hóa dịch vụ trong nhóm.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đề nghị, cần phải thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, với 25 nhóm đối tượng như quy định hiện nay đã là rất rộng, sửa đổi không thu hẹp lại mà còn bổ sung, theo ĐB Hải là “chưa phù hợp chiến lược cải cách thuế, trong đó có nội dung giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT”.
ĐB Hải phân tích, “đây là loại thuế đánh vào người mua, người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nên càng nhiều đối tượng không chịu thuế thì DN càng mất quyền khấu trừ đầu vào và như thế là khó khăn hơn cho đa số DN cung cấp hàng hóa, dịch vụ chứ không phải hỗ trợ DN”. Do đó, ĐB này đề nghị cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT.
ĐB Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cũng đồng tình với ĐB Hải, ông nói thêm, “bản chất thuế GTGT là gián thu trên người tiêu dùng, người bán không phải chịu. Do vậy nếu đối tượng không chịu thuế càng nhiều thì càng thiệt cho DN”. ĐB Sơn đề nghị “nên giảm tối đa hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT”.
Riêng với nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT là “Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác”, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) và nhiều ĐB đề nghị cần quy định rõ tài nguyên, khoáng sản là loại tài nguyên nào để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, “làm nghèo” tài nguyên.
Đề nghị kéo dài thời hạn giảm thuế
Về giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở, Dự thảo luật quy định: Giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, đa số ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo luật và cho rằng, việc giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.
Cơ bản tán thành cơ chế giảm thuế nói trên, nhằm “hỗ trợ đối tượng có nhu cầu về nhà ở, kích thích tiêu dùng, phá băng thị trường bất động sản”, tuy nhiên, ĐB Trần Văn Huynh, Kiên Giang đề nghị phải có những giải pháp hết sức cụ thể tránh tình trạng chia nhỏ diện tích, phá vỡ quy hoạch.. để được hưởng ưu đãi, và đây cũng là băn khoăn của nhiều ĐBQH.
Liên quan đến thời hạn giảm thuế, theo quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách, với mức giảm dự kiến không lớn, thời gian thực hiện ngắn (chỉ trong 01 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn 3 năm). Do vậy, đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2014).
Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT sẽ được thông qua tại kỳ họp này theo quy trình rút gọn.
Hôm qua (28/5), thảo luận ở tổ về dự án sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, nhiều ĐBQH tán thành với việc sửa đổi Điều 170, tuy nhiên, ĐB cho rằng, nếu cho DN đăng ký lại thì cần phải sàng lọc kỹ và chỉ nên thực hiện đối với các DN chấp hành tốt pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng đề nghị bổ sung quy định về thời hạn đăng ký (có thể là 6 tháng, 1 năm) kể từ ngày luật có hiệu lực chứ không nên để vô thời hạn. Tuy nhiên, vẫn còn ĐB cho rằng không nên sửa đổi, bởi nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn thời gian 1 lần năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm pháp luật. Theo Chính phủ, tính đến ngày 01/07/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài thì có 2.916 DN đã đăng ký lại theo quy định; còn khoảng 3.000 DN không đăng ký lại theo quy định. Các DN này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng 446.000 người. |
Thu Hằng