Mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

(PLO) - Ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng chủ trì họp Hội đồng thẩm định và Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp đối với dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) với sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành liên quan.
Mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, sau hơn 6 năm thi hành, Luật TNBTCNN đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi cần thiết sửa đổi toàn diện. 

Về phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN (sửa đổi) được xác định rõ hơn theo hướng quy định về TNBTCNN đối với cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thiệt hại được bồi thường, cơ quan bồi thường nhà nước; thủ tục giải quyết bồi thường; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật của cán bộ, công chức thực hiện công vụ; quản lý nhà nước về công tác bồi thường; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về công tác bồi thường.

Dự thảo Luật còn mở rộng phạm vi TNBTCNN cho phù hợp với các văn bản pháp luật mới ban hành. Thiệt hại được bồi thường đã được quy định rõ ràng, bảo đảm tính khả thi trong việc tính thiệt hại. Dự thảo Luật quy định nguyên tắc xác định thiệt hại qua đó giúp cho các cơ quan giải quyết bồi thường thuận lợi trong việc xác định thiệt hại được bồi thường, đồng thời cũng đã lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường, quy định rõ mức thiệt hại được bồi thường mà Luật TNBTCNN hiện hành chưa quy định.

Một điểm khác đáng lưu ý là dự thảo Luật đã có những cải cách mạnh mẽ trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết bồi thường.

Cải cách quy trình chi trả tiền bồi thường theo hướng: đối với những vụ việc yêu cầu bồi thường do cơ quan trung ương giải quyết thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương, đối với những vụ việc yêu cầu bồi thường do địa phương giải quyết thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh; Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm chi trả kịp thời và đầy đủ tiền bồi thường.

Ngoài ra, đa số các ý kiến cho rằng, cần phải tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ và quy định cụ thể các hình thức kỷ luật nghiêm minh tại Luật này đối với người thi hành công vụ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại làm phát sinh TNBTCNN. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định cụ thể mức hoàn trả và xử lý kỷ luật phải dựa trên mức độ lỗi, mức độ thiệt hại đã gây ra nhằm bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không được làm tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ.

Đọc thêm