Hòa giải, đối thoại thành ở Hải Phòng đạt 76,2%
Ông Dương Văn Linh (trú tại xã An Thái, huyện An Lão, TP Hải Phòng) khởi kiện Quyết định hành chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Hà Văn Lanh và Nguyễn Thị Viên. Nguồn gốc đất đai của các cụ sinh ra ông Lanh và 5 người con khác tạo dựng.
Khi các cụ mất đi không để lại di chúc, ông Lanh chỉ là người quản lý, các thành viên trong gia đình chưa họp bàn để chia di sản thừa kế. Nhưng ông Lanh tự làm thủ tục đề nghị UBND huyện An Lão cấp Giấy chứng nhận đứng tên mình là không đúng quy định.
Xác định đây là vụ án phức tạp, có sự tham gia của luật sư bên người khởi kiện và xuất hiện cùng lúc 2 tranh chấp là khiếu kiện hành chính và chia di sản thừa kế, đối thoại viên đã tập trung giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ dòng họ trước. Việc giải thích, phân tích của hòa giải viên trên tinh thần xây dựng đã được vợ chồng ông Lanh, bà Viên vui vẻ chấp nhận phương án tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia di sản và đề nghị UBND huyện An Lão hủy Giấy chứng nhận, cấp lại Giấy mới cho các thành viên trong gia đình.
Sau khi giải quyết được mâu thuẫn giữa các thành viên trong dòng họ, đối thoại viên tiếp tục làm việc với đại diện lãnh đạo UBND huyện An Lão về khiếu kiện quyết định hành chính. Nghe đối thoại viên phân tích pháp luật, đại diện lãnh đạo UBND huyện An Lão đã nhận thấy việc cấp Giấy chứng nhận là không đúng quy định của pháp luật nên đã quyết định thu hồi Giấy chứng nhận và cam kết tạo điều kiện tốt nhất để các hộ được cấp Giấy chứng nhận khi nộp đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định.
Đây chỉ là 1 trong số hàng nghìn đơn khởi kiện được hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án TP Hải Phòng. Theo báo cáo của TAND TP Hải Phòng, trong 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm, 10 Trung tâm hòa giải, đối thoại Tòa án các cấp đã nhận 2.573 đơn khởi kiện; đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn, trong đó hòa giải, đối thoại thành 1.827 đơn, đạt tỷ lệ 76,2%.
Với 58 hòa giải viên của 10 Trung tâm thì trung bình mỗi tháng, mỗi hòa giải viên nhận 7,39 đơn; đưa ra hòa giải 6,89 vụ việc và hòa giải thành 5,25 vụ. Tính trung bình thời gian tiếp nhận đơn mới, trừ các ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật thì cứ khoảng 3,2 ngày (tương đương hơn 70 tiếng), mỗi hòa giải viên nhận thêm 1 đơn khởi kiện.
Mở rộng thí điểm
Sở dĩ cơ chế trên thu được những kết quả tích cực là do hòa giải viên, đối thoại viên đứng ở vị trí trung lập, khách quan, là người trung gian, là cầu nối giữa các đương sự để giải quyết các tranh chấp, các mâu thuẫn; là người giúp cho các đương sự tìm được sự thống nhất về quan điểm giải quyết và giúp cho các đương sự cùng thắng.
Hòa giải viên, đối thoại viên không phải là thẩm phán hay luật sư nên có thể trao đổi với đương sự về căn cứ pháp lý của các tài liệu chứng cứ, về hậu quả pháp lý của các đương sự nếu hòa giải, đối thoại thành hoặc không thành cũng như những chi phí về án phí, thẩm định giá, phí thi hành án… Nếu vụ việc chuyển sang Tòa giải quyết theo tố tụng, hòa giải viên, đối thoại viên không tư vấn về pháp luật, không cung cấp những lời khuyên có lợi cho một bên mà lại gây bất lợi cho bên kia.
Trên cơ sở thành công bước đầu của thí điểm tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố bảo đảm tính đại diện vùng miền, nông thôn, đô thị.
Thực hiện Kết luận nêu trên, TANDTC đã lựa chọn được 16 địa phương để mở rộng và kéo dài thí điểm là: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến là 6 tháng, tạo cơ sở cho việc báo cáo Quốc hội về Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và có thể được kéo dài cho đến khi Quốc hội thông qua Luật này.
Chánh án TANDTC yêu cầu Chánh án các địa phương cần xem đây là trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo kịp thời để tìm hướng giải quyết.