Quản lý theo cá nhân thay vì hộ gia đình
Hiện nay, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu phải xuất trình gây tốn kém, lãng phí. Mặt khác, việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như hiện nay gây khó khăn cho người dân khi họ cần di chuyển hoặc tìm cơ hội sinh sống, làm việc ở nơi khác như phải khai báo, thay thế, lưu, chuyển giấy tờ liên quan đến sổ hộ khẩu một cách thủ công và mất nhiều thời gian không cần thiết.
Còn đối với Nhà nước, vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu… dẫn đến bộ máy hành chính cồng kềnh, khối lượng hồ sơ giấy tờ lưu trữ rất lớn, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Để giải quyết tình trạng trên, Dự thảo Luật bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân trong đăng ký cư trú cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cư trú và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.
Tuy ủng hộ tư tưởng đổi mới theo hướng đơn giản hóa TTHC thể hiện trong Dự thảo Luật, ông Nguyễn Duy Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi vì Dự thảo có tác động lớn đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá tác động chính sách một cách rõ ràng, toàn diện đến người dân và xã hội như quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân ảnh hưởng tới cơ chế bảo hiểm xã hội của hộ gia đình như thế nào, người dân mang theo sổ hộ khẩu thì có thực hiện được các giao dịch không…?
Mặt khác, để hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dự kiến tốn hơn 3.000 tỷ đồng nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần tính toán được khi Dự thảo Luật sửa đổi có hiệu lực sẽ có bao nhiêu % công dân đáp ứng được ngay theo hình thức quản lý mới và bao nhiêu % dân cư phải áp dụng các quy định chuyển tiếp.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hòe - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) tỏ ra e ngại bởi nếu không quản lý dân cư theo hộ gia đình thì chính sách là quản lý công dân trên cơ sở cá nhân. Do đó, để hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần huy động từng cá nhân kê khai thông tin nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Cư trú có tác động đến gần 200 VBQPPL liên quan nên kinh phí sẽ rất tốn kém, vì thế cần tính toán để đảm bảo khả thi.
Xóa bỏ nhiều nhóm thủ tục
Dự thảo Luật cũng bãi bỏ các nhóm thủ tục: Tách sổ hộ khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.
Phát biểu tại cuộc họp, Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng cho rằng Dự thảo Luật cần tập trung vào 2 chính sách lớn là quản lý thông qua cá nhân, mã số định danh cá nhân thay cho quản lý theo hộ gia đình, sổ hộ khẩu và chính sách thực hiện cải cách TTHC. Để đảm bảo tính khả thi, cơ quan chủ trì soạn thảo cần soát kỹ hệ thống pháp luật liên quan, quan tâm tới đánh giá tác động xã hội và tác động pháp luật và cần thực hiện theo lộ trình nhất định.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhận định cách thức quản lý dân cư ở nước ta cần tiếp cận mô hình quản lý công dân theo hướng tích hợp, đơn giản mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật sửa đổi phải đánh giá được tác động khi bãi bỏ hình thức quản lý theo hộ gia đình, đồng thời phải tính tới vấn đề người Việt Nam ở nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân. Đồng thời cần đảm bảo tới sự phù hợp với các chính sách, pháp luật nói chung về công tác cán bộ, vấn đề tinh giản biên chế, phân cấp, phân quyền…
Đặc biệt, cơ quan chủ trì soạn thảo phải cân nhắc tới tính khả thi vì mọi chính sách của Dự thảo Luật đều bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu, chỉ khi nào hoàn thiện được cơ sở dữ liệu thì mới bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu, bỏ các thủ tục nên cần lộ trình cụ thể. Mặt khác, Thứ trưởng lưu ý phải tính toán tới vấn đề ngân sách, vấn đề bảo mật thông tin khi chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư tới các tổ chức đã được xã hội hóa.