Hôm qua (11/4) tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chủ trì buổi họp báo thông báo về giải pháp điều hành lãi suất và tín dụng trong thời gian tới.
|
Trước đó, hôm 10/4, Thống đốc đã ký ban hành Thông tư số 08, điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động từ 13%/năm xuống 12%/năm. Cùng ngày, Thống đốc cũng ký Quyết định số 693 cắt giảm lãi suất tái cấp vốn xuống 13%/năm từ mức 14%; lãi suất tái chiết khấu xuống 11%/năm thay vì mức 12%. Hai văn bản này áp dụng từ 11/4.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2012 và cũng là lần thứ 2 trong vòng một tháng, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất.
“Rút ruột” lĩnh vực không khuyến khích
Tại cuộc họp báo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo, NHNN vẫn giữ nguyên quan điểm kiểm soát dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích (chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng) dưới 16% tổng dư nợ cho vay, tuy nhiên, loại trừ một số khoản ra khỏi khu vực này.
Cụ thể, đối với dư nợ cho vay chứng khoán, được loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần IPO khi chuyển công ty nhà nước này thành công ty cổ phần.
Đối với dư nợ cho vay BĐS, được loại trừ nhu cầu vốn xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở kết hợp với cho thuê mà khoản vay được trả nợ bằng nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công của khách hàng vay; xây dựng, sửa chữa, mua bán nhà cho thuê, xây dựng các công trình dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị, bao gồm cả các công trình hoàn thành trong năm 2012 và sau 2012 (trước đó, khoản này chỉ áp dụng đối với các công trình hoàn thành trong năm 2012).
Đối với dư nợ cho vay tiêu dùng, được loại trừ nhu cầu vốn để xây dựng, mua nhà để ở trả bằng tiền lương; mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập và chữa bệnh trong nước.
Lý giải nguyên nhân “mở van” tín dụng cho lĩnh vực BĐS, Thống đốc cho biết dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay BĐS hiện chỉ trên dưới 10% nhưng dư nợ trong hệ thống ngân hàng có đảm bảo bằng BĐS rất lớn, khoảng 60%. Đây chính là lý do cần từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng BĐS, nhất là khi nhu cầu nhà ở của người dân lớn và mặt bằng giá nhà đã đến mức hợp lý để người dân mua vào.
Bình luận về việc DN phàn nàn khó tiếp cận vốn vay lãi suất thấp, Thống đốc NHNN cho rằng, có nhiều loại DN khác nhau và các DN tình hình tài chính cũng khác nhau. “Nếu có DN tốt đủ điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành thì tôi đảm bảo DN đó được vay vốn với lãi suất 14 – 16%” – ông Bình nói. |
Thống đốc Nguyễn Văn Bình kỳ vọng, mở tín dụng sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho BĐS, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế, đồng thời cũng sẽ tháo gỡ cho một số lĩnh vực khác như xi măng, sắt thép và giúp giảm nợ xấu trong ngân hàng.
Trong khi đối với lĩnh vực chứng khoán, sở dĩ vẫn chưa được khuyến khích cho vay, theo lý giải của ông Bình là vì ngân hàng không thể lấy vốn huy động đa phần là vốn ngắn hạn để cho vay mua cổ phần, cổ phiếu, là kênh đầu tư trung và dài hạn.
Xem xét cơ cấu lại các khoản vay không trả nợ đúng hạn
Đồng thời với việc hạ lãi suất, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hóa.
Các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động phối hợp với khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp cận vay vốn, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vay từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, đảm bảo khả năng trả nợ, giảm nợ xấu, tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng, kịp thời phát hiện khách hàng có biểu hiện khó khăn trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạ chế rủi ro phát sinh và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, quyết liệt xử lý nợ xấu, không được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chưa phù hợp với quy định của pháp luật nhằm che dấu nợ xấu.
Nói về nợ xấu của ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Nợ xấu có chiều hướng tăng lên trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đầu năm nợ xấu là 3,2%, đến nay là 3,6%. Nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng cụ thể còn cao hơn nhiều.
Các ngân hàng chủ động cơ cấu lại nợ cho DN do gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do. Nếu không tháo gỡ thì các DN sẽ rất khó khăn, dẫn tới ngân hàng sẽ khó khăn. Do vậy NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ cho các DN để DN vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
H.Thủy