Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Xây dựng, đến nay trên cả nước có trên 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở các quy mô khác nhau, trong đó có 35 công trình với chiều cao đập từ 50m trở lên, hoặc có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạ du khi có sự cố; 605 công trình có đập cao từ 15 đến 50m hoặc dung tích hồ từ 3 triệu mét khối.
Mổ xẻ sự cố hồ đập thủy điện
Công trình Thủy điện Đak Mek 3 được xây dựng tại xã Đăk Choong, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum được khởi công xây dựng tháng 3/2009, dự kiến phát điện vào đầu năm 2013. Ngày 22/11/2012 đã xảy ra sự cố sập đổ tường chắn thượng lưu đập tràn trên toàn chiều dài tường, làm tử vong một người và toàn bộ công việc thi công bị đình chỉ.
Phân tích sự cố cho thấy, khi thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi vật liệu khối lõi từ bê tông M150 sang hỗn hợp đất đá đầm nén. Ngoài ra, việc thi công tường bê tông cốt thép tường hạ lưu cũng có nhiều sai sót, dẫn đến chất lượng tường không đảm bảo khả năng chịu lực theo yêu cầu.
Vì thế, khi đắp khối lõi lên cao, tạo áp lực đất lớn đẩy vào tường và gây đổ tường. Không những thế, việc kiểm tra cho thấy chất lượng nhiều hạng mục công trình cả ở khu vực đầu mối và tuyến năng lượng rất thấp, không đủ khả năng chịu lực theo yêu cầu, cần phải phá bỏ và làm lại.
Một sự cố đập thủy điện khác xảy ra ở Thủy điện Ia Krel 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Bắt đầu được xây dựng từ năm 2010, ngày 12/6/2013 xảy ra sự cố vỡ đập chính tại vị trí cống dẫn dòng (phía vai phải), lỗ vỡ rộng khoảng 40m, cống dẫn dòng bị bóc lộ và bị cuốn trôi một số đoạn. Trên mặt đập chính (đoạn chưa bị vỡ) xuất hiện nhiều vết nứt.
Nguyên nhân là do trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi thiết kế nhiều hạng mục như: thay đổi kích thước cống dẫn dòng, bỏ màng chống thấm... Phần cống dẫn dòng bị phơi lộ cho thấy chất lượng thi công thân cống không được đảm bảo, bê tông rỗ nhiều, cốt thép đặt sai vị trí, mặt ngoài cống thiếu kết cấu mố khóa đầu các đoạn và các cừ tai để kéo dài đường viền thấm, do đó khi đất đắp quanh cống không được đầm chặt theo yêu cầu thì dễ dàng tạo dòng thấm mạnh.
Vì vậy, nguyên nhân vỡ đập có thể do cống dẫn dòng được thi công thực tế không đảm bảo khả năng chịu lực hoặc do thấm tiếp xúc quanh cống dẫn dòng gây xói ngầm làm sụt đất thân đập phía trên, dẫn đến vỡ đập.
Thảm họa từ thi công cẩu thả, “rút ruột” công trình
Theo GS. TS Nguyễn Chiến (Đại học Thủy lợi), nếu các hồ đập lớn đã được quan tâm tương đối tốt trong các khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng và quản lý nên chưa xảy ra sự cố lớn thì ngược lại, các hồ chứa loại vừa và nhỏ thường chưa được quan tâm đầy đủ trong công tác khảo sát, thiết kế, xây dựng và quản lý khai thác nên công trình xuống cấp nhanh và đã xảy ra các sự cố vỡ đập, gây thiệt hại lớn cho bản thân công trình và khu vực hạ du.
Thực tế từ nhiều công trình hồ đập vừa và nhỏ bị hư hỏng, sự cố cho thấy, nguyên nhân có thể xuất phát từ bất cứ công đoạn nào trong thi công, vận hành công trình. Trong công tác khảo sát, thiết kế, do kinh phí ít và ý thức trách nhiệm của người thực hiện chưa đầy đủ, nên việc đo vẽ diện tích lòng hồ và lưu vực không chính xác, dẫn đến sai lệch trong tính toán lũ đến và điều tiết lũ, có thể dẫn đến nước lũ tràn đỉnh đập trong thực tế.
Bên cạnh đó, khảo sát địa chất nền đập, đường tràn, cống lấy nước không chính xác, không tính toán đầy đủ các chế độ thủy lực ở đường tràn, cống lấy nước, thiết kế không có chỉ dẫn đầy đủ và chi tiết về thi công các hạng mục, các khâu cần tập trung giám sát chất lượng… đều có thể gây nên sự cố công trình.
Đa số các hồ đập vừa và nhỏ là do các đơn vị của địa phương thi công, trong đó không ít đơn vị có năng lực chuyên môn, tài chính và ý thức trách nhiệm chưa cao, dẫn đến nhiều sai sót trong thi công và giám sát chất lượng công trình.
Phần lớn các hư hỏng, sự cố công trình xảy ra gần đây có liên quan đến công tác thi công và quản lý thi công, từ việc tự ý thay đổi vật liệu và kết cấu công trình so với bản vẽ thiết kế (ở đập Đăk Rông 3, Đăk Mek 3, Ia Krel 2…), đến xử lý nền chưa đạt yêu cầu, xử lý các mạch ngừng thi công không theo đúng quy trình kỹ thuật, đắp đất không theo đúng quy trình, không đảm bảo chất lượng…
Một nguyên nhân khác phát sinh sự cố là do các hồ đập nhỏ thường do nông trường, xã, hợp tác xã hay tư nhân quản lý, thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng nên đập xuống cấp nhanh, các hư hỏng nhỏ không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến hư hỏng lớn, mức độ đảm bảo an toàn của đập thấp. Việc đóng, mở cống lấy nước ở các hồ nhỏ thường không theo đúng quy trình, có thể dẫn đến vỡ đập.
“Khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy có một “sáng tạo” của địa phương là nguyên nhân nhiều đập nhỏ bị vỡ trong các trận lũ lớn vừa qua, đó là đa số công trình xả lũ của hồ chứa nhỏ thuộc loại tràn tự do với bề rộng tràn nước lớn, có mức độ an toàn về thoát lũ cao. Tuy nhiên, để nâng cao sức chứa của hồ, nhiều địa phương đã tự ý xây cao ngưỡng tràn lên, nên tràn không đảm bảo năng lực xả lũ theo thiết kế, dẫn đến nước lũ tràn đỉnh đập gây vỡ” – ông Chiến cho biết.