Thất kinh thủy điện

(PLO) - Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, tại 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai, Phú Yên có gần 96.000 nhà dân bị ngập trong lũ, trên 431ha lúa và hoa màu bị ngập trong nước. Trong đó, Bình Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập nước, nhiều huyện bị ngập 50- 80% diện tích, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn.
Thất kinh thủy điện
Ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Cty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi Bình Định - cho biết, hiện nay, mực nước trên các sông ở Bình Định vẫn đang dao động ở mức cao từ báo động cấp I đến cấp III. Mưa lớn, nước đổ từ thượng nguồn về các hồ ở Bình Định khiến mực nước của các hồ cũng đang trong báo động cấp. Lượng nước trong hồ Định Bình - hồ lớn nhất tỉnh Bình Định với tổng dung tích 225 triệu mét khối - đạt 200 triệu mét khối. 
Để bảo vệ hồ, sáng ngày 17/11, Cty đã mở 1 cửa hồ xả với lưu lượng 400 m3/s, sau đó tiếp tục tăng lưu lượng lên 600m3/s. Với lượng nước như hiện có, nếu tiếp tục mưa thì hồ Định Bình sẽ tiếp tục điều tiết nước trong hồ bằng cách mở thêm một cửa xả. 
Tại Phú Yên, theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mực nước sông Ba đang rút chậm do ảnh hưởng của thủy điện xả lũ. Tuy nhiên, cho đến chiều ngày 17/11, nước sông Ba vẫn đang ở mức báo động cao. 
Ông Đặng Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Cty CP Thủy điện sông Ba Hạ - cho biết, lúc 10 giờ 40 phút sáng 16/11, nước trong hồ đang ở mức cao 104,87m, dưới cao trình thiết kế gần 1m, thủy điện đang xả lũ với tổng lưu lượng 2.000m3/s (trong đó ngày 16/11, thủy điện sông Ba Hạ xả với lưu lượng cao nhất là 3.700 m3/s)
Tại tỉnh Gia Lai, mực nước trên các sông đến chiều ngày 17/11 đã rút chậm. Tuy nhiên, mưa lớn cùng với việc các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn đã gây lũ lớn ở huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam của tỉnh. 
Tại huyện Kbang, mưa lũ gây ngập lụt diện rộng, hàng trăm người dân kêu cứu vì bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường từ thị xã An Khê vào huyện Kbang bị chia cắt hoàn toàn bởi nước lũ. Ở thị xã An Khê, nước lũ tràn qua cầu sông Ba khiến giao thông trên quốc lộ 19 bị chia cắt. Nước lũ dâng cao cũng gây ngập úng ở nhiều xã, phường trũng thấp trong thị xã. Đèo An Khê, khu vực tiếp giáp với tỉnh Bình Định bị sạt lở nghiêm trọng bởi mưa lớn trong hai ngày 14 và 15, giao thông giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định bị ngưng trệ. Với hàng chục điểm sạt lở khiến đất đá, cây cối lấn đường, phải đến sáng ngày 16/11, các phương tiện mới có thể lưu thông một chiều. 
Hiện Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam đã đưa nhân lực tiến hành dọn dẹp những chướng ngại vật trên đường để xe cộ tiếp tục lưu thông. Bên cạnh đó, các đội giao thông hai tỉnh Bình Định – Gia Lai phối hợp điều tiết lưu lượng xe qua đèo. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tiến hành giải tỏa mặt bằng, tạm thời khắc phục những điểm sạt lở nhỏ.

Đọc thêm