Mộc Châu, Sơn La: Nông dân 'cầu cứu' vì dấu hiệu bất lợi trong chăn nuôi bò sữa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, nhiều hộ nông dân nuôi bò sữa ở huyện Mộc Châu, Sơn La phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất. Một số hộ còn thừa nhận mình đứng trước nguy cơ “vỡ nợ” vì “thu không đủ bù chi” mà nguyên nhân sâu xa là một số chính sách thu mua sữa tươi của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu thiếu hợp lý, gây bất lợi cho người nông dân.
Nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao.
Nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu đang gặp khó khăn do chi phí tăng cao.

Người dân gặp bất lợi nhưng “ngại kêu”

Tuy là một bên trong hợp đồng thu mua sữa tươi với Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Cty Mộc Châu) nhưng hầu hết những nông dân nuôi bò sữa ở Mộc Châu đều xin được giấu tên trên báo. Họ lo rằng, nếu “lộ danh tính” thì sẽ gặp phiền phức, có nguy cơ bị Cty Mộc Châu gây áp lực, thậm chí bị “cắt” hợp đồng thu mua sữa, đồng nghĩa với việc họ mất đi chỗ tiêu thụ sản phẩm gần như duy nhất trên địa bàn. Lúc đó, sữa làm ra chỉ còn cách... đổ bỏ.

Theo phản ánh của một số hộ nông dân, hầu hết trong số họ phải vay mượn tiền từ các nguồn khác nhau để đầu tư nuôi bò, lấy sữa với ước mong có thu nhập ổn định để hoàn vốn và sau này là thu lời. Tuy nhiên, trong 1 - 2 năm nay, nghề nuôi bò sữa tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ đối diện với nguy cơ “vỡ nợ”, do liên tục bị lỗ, “thu không đủ bù chi”.

Lý giải cụ thể, người dân cho biết, chính sách thu mua sữa của Công ty Mộc Châu ngày càng có nhiều bất lợi cho nông dân. Dù họ đã đề nghị Công ty xem xét, điều chỉnh nhưng không được phản hồi. Còn phản ánh đến các cơ quan chức năng ở địa phương thì hầu như họ lại không dám vì lo “lộ danh tính”, nếu để công ty biết được sẽ gặp phiền phức, thậm chí bị cắt hợp đồng không thu mua sữa. Khi đó, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Thông tin cụ thể về các chính sách được cho là bất lợi đối với người bán sữa, các hộ cho biết: Công ty tăng giá cám hỗn hợp nuôi bò sữa, rồi giá sữa thành phẩm Công ty bán ra thị trường cũng tăng nhưng Công ty lại không điều chỉnh giá thu mua tương xứng cho người nông dân. Đã vậy, chất lượng cám và thức ăn phối trộn sẵn (TMR) do Công ty cung cấp không ổn định. Thậm chí sản phẩm cám và TMR không có nhãn mác nhưng vẫn tăng giá. Còn khi hộ dân nào “mạnh dạn” sử dụng các loại cám chuyên dụng cho bò sữa của các công ty khác thì bị phạt tiền do cho rằng vi phạm hợp đồng.

Trong nhiều lần phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp hoặc bà con nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nhất là trong quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nông nghiệp và doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp).

Tuy nhiên, những người nông dân ở đây lại cho rằng, mong muốn trên dường như vẫn xa vời đối với họ, vẫn chỉ trên lý thuyết trong quan hệ giữa người nông dân nuôi bò sữa và Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu hiện nay.

Cũng vin vào Hợp đồng, Công ty Mộc Châu còn không cho phép nông dân sử dụng thuốc và dịch vụ thú y bên ngoài. Trong khi đó, nhiều hộ dân cho rằng Công ty đã cung cấp dịch vụ thú y với giá thành cao, đặc biệt là giá thuốc và giá công bác sỹ thú y.

Biết rằng việc Công ty thực hiện cung cấp thức ăn, cung cấp dịch vụ thú y là nhằm đảm bảo các sản phẩm sữa nguyên liệu có chất lượng đảm bảo, ổn định, hạn chế rủi ro khi thu mua sữa nguyên liệu... Tuy nhiên, mặt trái của việc “độc quyền” trên, nếu không giải quyết hợp lý, hợp tình sẽ dẫn đến những điểm o ép bất lợi cho người nông dân.

Bao giờ sẽ có “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”?

Khi chia sẻ về những khó khăn hiện nay, người dân đều chung ý kiến rằng: Không ít thì nhiều, các hộ đều phải vay vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi. Còn số vốn vay do Công ty hỗ trợ thì rất ít và phải phụ thuộc vào số lượng bò và sản lượng sữa... của mỗi hộ.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông T (ở Tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu) buồn bã nói: “Gia đình tôi đang nuôi hơn 100 con bò sữa (được khoảng 30 tấn sữa/tháng) và phải vay nợ ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Để mua cám, thức ăn, vật tư thú y, nhân công…, mỗi tháng gia đình phải chi ra gần 400 triệu đồng. Với giá bán sữa hiện nay thì may mắn gia đình tôi mới hòa vốn, còn thường thì lỗ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Cứ đà này, gia đình tôi không biết lấy tiền đâu trả nợ”.

Giá cám cho bò sữa được cho là tăng cao nhưng giá thu mua sữa không tăng.

Giá cám cho bò sữa được cho là tăng cao nhưng giá thu mua sữa không tăng.

Cùng chung cảnh ngộ “lỗ đều đều”, ông B (ở Tiểu khu 84 + 85, thị trấn Nông trường Mộc Châu) cho biết, đã hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi bò sữa nhưng chưa bao giờ lâm vào “thảm cảnh” như vừa qua. Nếu Công ty cứ duy trì chính sách như hiện nay thì người nông dân không thể chịu nổi. Bao năm gây dựng đàn bò sữa, giờ nói bỏ là không thể bỏ ngay được. Thức ăn vẫn phải mua, sữa vẫn phải vắt hàng ngày để đảm bảo chất lượng đàn bò. Lẽ ra, Công ty phải điều chỉnh cho phù hợp thì người nuôi bò mới có lãi. Ví dụ, khi giá thức ăn tăng thì giá sữa phải tăng và ngược lại.

Một hộ dân khác bức xúc, phía công ty kiểm tra, tự đánh giá chất lượng, tự đưa ra kết quả sữa thu mua mà người dân không được giám sát thì làm sao đảm bảo khách quan. Trước đây cán bộ, lãnh đạo Công ty còn thường xuyên đến các hộ dân gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ vướng mắc. Nhưng 2 năm trở lại đây thì rất hiếm có chuyện này.

Để có lý giải từ phía “đối tác” của người nông dân, phóng viên đã liên hệ làm việc với Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu và một số cơ quan chức năng của địa phương. Tuy nhiên, sau hai tuần trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.

Về việc thu mua sản phẩm, các hộ nông dân cũng cho rằng, việc Công ty đánh giá các chỉ tiêu cơ bản của sản phẩm sữa nguyên liệu có dấu hiệu thiếu khách quan, thiếu minh bạch khiến cho sữa của họ bị “hạ cấp”, kéo theo đó là giá thu mua cũng thấp theo.

Còn khi nông dân thắc mắc, có ý kiến thì Công ty sẽ “tạm dừng thu mua sữa” để thương thảo hợp đồng. Theo đánh giá của người dân thì đây là dấu hiệu “gây áp lực” bởi sữa nguyên liệu là sản phẩm đặc biệt, cần bảo quản trong điều kiện đặc biệt nên khi bị dừng thu mua ngày nào là thiệt hại ngày đó.

Đọc thêm