Mời bạn đọc bình chọn 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2016

(PLO) - Theo thông lệ, chuẩn bị kết thúc mỗi năm, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức bình chọn và công bố 10 sự kiện pháp luật nổi bật của năm, chính thức công bố vào ngày 30/12.
Mời bạn đọc bình chọn 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2016

Việc bình chọn nhằm tổng hợp các sự kiện pháp luật nổi bật, điển hình, có ảnh hưởng mạnh mẽ trong dư luận xã hội, giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về đời sống pháp luật, xây dựng thể chế cũng như thi hành pháp luật của đất nước trong một năm;  góp phần hình thành dư luận ủng hộ, tôn vinh những sự kiện pháp luật tích cực, hình thành thái độ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; phê phán, lên án những sự kiện pháp luật tiêu cực, chung tay đẩy lùi cái xấu, cái ác, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các loại tội phạm và vi phạm; khẳng định những bài học, kinh nghiệm, tấm gương từ các sự kiện pháp luật để cổ vũ hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Về tiêu chí, bình chọn các sự kiện liên quan trực tiếp đến việc xây dựng, ban hành, áp dụng và thi hành pháp luật nổi bật, điển hình của năm, có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức, tình cảm, thái độ của dư luận với Hiến pháp và pháp luật, đưa đến những thay đổi, chuyển biến lớn trong việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, thi hành luật pháp.

Tổng hợp từ nhiều ý kiến, PLVN xin đưa ra danh mục 15 sự kiện pháp luật dưới đây, mời Quý độc giả bình chọn 10 sự kiện nổi bật nhất, điển hình nhất và có tác động mạnh mẽ nhất trong năm qua: 

Chính phủ hành động và kiến tạo: Một  nhiệm kỳ Chính phủ mới mang đến nhiều kỳ vọng với chủ trương quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, trong đó công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật được đặc biệt chú trọng.

- Quốc hội thay đổi cách chất vấn: Khác với những kỳ họp trước, từ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV không chọn một Bộ trưởng, Trưởng ngành, mà chọn nhóm vấn đề để chất vấn. Như vậy, đã có sự phối hợp trách nhiệm trong việc giải quyết công việc và có liên quan đến việc phối hợp trả lời chất vấn của các Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạo nên sự chuyển biến quan trọng: Nghị quyết nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.  Điển hình của quyết tâm thực hiện Nghị quyết TW 4 là việc Trung ương đã kiên quyết khai trừ khỏi Đảng ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong quá trình công tác. Hiện Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố và truy nã quốc tế.    

Một loạt các bộ luật mới có hiệu lực thi hành, tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân: Bộ luật Tố tụng Dân sự (Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do “chưa có điều luật để áp dụng”), Luật Hộ tịch (cấp mã số định danh cá nhân), Luật Căn cước (cấp thẻ căn cước công dân); Luật Đấu giá tài sản khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản; đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan… 

- Quốc hội hoãn thi hành Bộ luật Hình sự: Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, Quốc hội phải ban hành một nghị quyết để hoãn thi hành Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do có khoảng 90 lỗi kỹ thuật. Nghị quyết của Quốc hội quy định lùi hiệu lực thi hành Bộ luật từ 1/7/2016 cho đến khi sửa xong các lỗi trong luật.

- Việt Nam gia nhập Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO): Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức này từ ngày 29/11/2016. Việc Việt Nam gia nhập IDLO đánh dấu tiếp một bước phát triển trong tiến trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập pháp lý đa phương nói riêng. Cũng trong năm 2016, một dấu ấn quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế, thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn pháp lý quốc tế.

- Sự cố ô nhiễm môi trường Formosa: Sự cố môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung không chỉ gây thiệt hại cho ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung mà còn là bài học sâu sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Lần đầu tiên đặt vấn đề xử lý kỷ luật một cựu Bộ trưởng: Ngày 23/11/2016, trong Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016, do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ. Về những sai phạm của ông Hoàng, Ban Bí thư cũng ra quyết định cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 với vị này, đồng thời đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp Đảng đoàn Quốc hội thực hiện quy trình xử lý kỷ luật ông Hoàng.

- Quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam: Trước một số sai phạm của một số phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt xử lý, chấn chỉnh để làm trong sạch, lành mạnh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

- Tử tù “xuyên thế kỷ” được minh oan: Năm 1970, ông Trần Văn Thêm (SN 1936, ở Yên Phong, Bắc Ninh) bị cáo buộc đã giết em họ cướp tài sản. Hai cấp tòa đều tuyên ông Thêm án tử hình. Sau hơn 5 năm ngồi tù, năm 1976, hung thủ thực sự bị bắt. Năm 1976, ông Thêm được trả tự do nhưng phải đến ngày 11/8/2016 mới được nhận Quyết định đình chỉ điều tra bị can và xin lỗi công khai. Đây là một bài học cho các cơ quan tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử .  

- Nhiều vụ án tham nhũng bị đưa ra ánh sáng: Ngày 9/9/2016, sau gần hai tháng xét xử và nghị án, tòa tuyên phạt ông Phạm Công Danh, 52 tuổi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam mức án 30 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 12/12, ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) - bị khởi tố vì những sai phạm liên quan khoản tiền 2.000 tỷ đồng thất thoát… Việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, thượng tôn pháp luật.

- Nhiều vụ cháy hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra: Năm 2016 là năm xảy ra nhiều vụ cháy lớn, đặc biệt là cháy các quán karaoke, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, điển hình là vụ cháy quán Karaoke tại 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người chết.

- Hình sự hóa vụ quán cà phê Xin Chào: Vì chưa có Giấy phép kinh doanh, 5 ngày sau khi khai trương quán cà phê “Xin Chào”, ông Nguyễn Văn Tấn ở TP HCM bị khởi tố bị can về tội “Kinh doanh trái phép”. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc ngừng hình sự hóa vụ việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị vi phạm. Động thái này thể hiện quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.

- Vụ phó “thần tốc” 26 tuổi và câu chuyện “con ông cháu cha” tham gia bộ máy công quyền: Hàng loạt lùm xùm trong tổ chức cán bộ được đưa ra công luận khi nhiều người phát hiện thanh niên 26 tuổi được bổ nhiệm “thần tốc” vào cương vị Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ. Chỉ 32 ngày sau, khi vẫn đang du học tại nước ngoài và chưa làm việc ngày nào, vị này lại được điều động về giữ một chức vụ lãnh đạo tại Cần Thơ. Tương tự là trường hợp ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng) mới 25 tuổi đã được cất nhắc làm Tổng Giám đốc một DN ngành dầu khí, sau đó 28 tuổi lên vị trí ngang chức Vụ phó. Năm 2016 cũng là năm mà một số câu chuyện “cả họ làm quan” nóng trên mọi diễn đàn.

- Hàng loạt thảm án xảy ra: Năm 2016, nhiều thảm án xảy ra khiến dư luận bàng hoàng. Chiều 12/8, chỉ vì tranh chấp đất làm nương dẫn đến cãi vã, Đặng Văn Hùng ở Yên Bái đã  đoạt mạng cả 4 người họ hàng. Ở Quảng Ninh, đối tượng nghiện ma túy Doãn Trung Dũng đã sát hại dã man 4 bà cháu trong một gia đình. Chấn động không kém là vụ Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái bị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm bắn tử vong… Các vụ thảm án đặt ra vấn đề phải tăng cường thực hiện hơn nữa công tác phòng chống tội phạm.      

* Cùng với sự bình chọn của độc giả, một Hội đồng bình chọn gồm các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, nhà báo có uy tín đã được thành lập để chọn ra 10 sự kiện pháp luật nổi bật của năm 2016 và công bố chính thức vào ngày 30/12/2016.

Trong 15 sự kiện PLVN đưa ra trên đây, bạn đọc chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất. Trân trọng mời Quý độc giả tham gia bình chọn sự kiện trên bằng cách cắt phiếu bình chọn trên Báo Pháp luật Việt Nam số ra hàng ngày, chọn 10 sự kiện rồi gửi về: Ban Thư ký, Báo Pháp luật Việt Nam - số 42/29 Nguyễn Chí Thanh- Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội; hoặc email: baoplvn@gmail.com, chậm nhất đến hết ngày 28/12/2016. Nếu cần biết thêm thông tin, xin liên hệ: Bà Vũ Hồng Thúy, SĐT: 091.303.5082.

Hội đồng bình chọn sự kiện pháp luật năm 2016

1. Ông Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng;

2. PGS, TS Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương;

3. Ông  Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng, Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban TGTW;

4. Ông Trần Hữu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam;

5. Ông Nguyễn Văn Du, Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao;

6. Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam;

7. Ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam;

8. Ông Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội;

9. Tiến sĩ luật Dương Thanh Mai

Đọc thêm