Báo cáo của UBTVQH cho biết, việc không quy định rõ số lượng, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật sẽ tạo điều kiện chủ động hơn trong việc quy định cơ cấu của Chính phủ nhằm bảo đảm cho Chính phủ thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của mình, phù hợp với thực tiễn yêu cầu từng thời kỳ phát triển của đất nước.
“Hiện nay, vào đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội (QH), QH quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ cho nhiệm kỳ đó và cơ bản vẫn thực hiện tốt và phù hợp, không có vướng mắc, bất cập” – UBTVQH nhận định.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật đã trình QH là không quy định cứng số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong Luật. Đề nghị này được đa số các đại biểu tán thành.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại tỏ ra băn khoăn trước kiến nghị xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được nêu trong Dự thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, việc quy định cứng về số cấp phó có thể gây khó khăn cho việc phân công, điều hành hoạt động của một số bộ lớn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, bà Mai đề xuất “đưa ra một khung co giãn” trong vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đề nghị cân nhắc linh động quy định trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng việc đưa các quy định về số lượng cấp phó tại các bộ, cơ quan ngang bộ vào Luật là cần thiết. Do đó, UBTVQH giữ nguyên đề nghị QH cho xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5 (Khoản 2 Điều 37); số lượng cấp phó của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2 (Khoản 2 Điều 39).
Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tư pháp trong Dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy Dự thảo được chỉnh lý không có các quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tư pháp.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cụ thể hóa Nghị định 22 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp vào Dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị bổ sung điều khoản thống nhất quản lý về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính vào Dự thảo Luật.
Trong sáng 9/4, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, với một số đề nghị đáng chú ý như bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trong đó xác định tính chất của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt...; đề nghị bổ sung và làm rõ hơn quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo./.