Mọi đảng viên phải tự soi, tự sửa, gương mẫu đi đầu

(PLVN) - Nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là yếu tố quan trọng để xử lý hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng người đề cao trách nhiệm nêu gương thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng người đề cao trách nhiệm nêu gương thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn. (Nguồn ảnh: chinhphu.vn)

“Nếu không gương mẫu thì còn nói được ai?”

Trong một số vụ án vừa qua, người đứng đầu cấp ủy vi phạm kỷ luật phải bị xử lý cả về mặt Đảng, chính quyền, thậm chí xử lý hình sự. Điều này đã cho thấy vai trò của người đứng đầu, bí thư cấp ủy đã không nêu gương. Do đó, muốn tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và thiêng liêng trong trái tim của mọi người dân Việt Nam bởi mọi lời nói và việc làm của Người luôn nhất quán, với mục đích và ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và Người đã dành trọn cả cuộc đời mình để thực hiện mong ước đó. Chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta. Tháng 11/2013, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam, ông đã viết trong sổ lưu niệm khi đến thăm nơi ở của Người: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình, tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế, lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

Trong cuộc đấu tranh PCTN,TC hiện nay, có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng, mẫu mực cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Tổng Bí thư chính là người truyền cảm hứng, niềm tin và là người “giữ lửa” trong chiến dịch “đốt lò” vô cùng quyết liệt để “chống giặc nội xâm” với tinh thần nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Chính điều đó đã nhân lên niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và cuộc đấu tranh PCTN,TC đã tạo nên một phong trào, một xu thế không thể đảo ngược với khí thế và tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”…

Những năm qua, nhờ có chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Tuy nhiên, những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống... gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư”.

Gần đây, tại nhiều hội nghị, cuộc họp bàn về công tác PCTN,TC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu. “Nếu các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì còn nói được ai? xử lý được ai?”.

Để biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là các cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức… phải thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm; tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn!”; “Cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.

Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình

Đối với vấn đề phê bình trong sinh hoạt Đảng, sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Người cũng nói: Trước kia ta nói phê bình và tự phê bình, nay phải nói lại là tự phê bình và phê bình. Nói như vậy có nghĩa là phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Yêu cầu của Bác là phê bình việc chứ không phê bình người.

Phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng

“Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng” - Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Nhưng có biểu hiện của tự phê bình và phê bình bây giờ là yêu thì nói tốt, ghét thì nói xấu. Qua nghiên cứu, tôi còn thấy một dạng mới, đó là “khen cho chết”. Dù biết là sai nhưng cố tình khen cho họ tưởng họ đúng để họ sai dần, đến lúc không gượng dậy được, thế là mất việc, mất người, mất cán bộ. Đây là những điều tôi rất trăn trở” - PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, người cán bộ, đảng viên trong thảo luận, trong sinh hoạt đảng phải thể hiện hết chính kiến của mình chứ không phải phát biểu theo kiểu nịnh bợ, a dua với cấp trên. Đảng viên phải biết phân tích xem vấn đề nào là đúng và phải đấu tranh bảo vệ bằng được cái đúng đó; vấn đề nào sai thì phải kiên quyết đấu tranh để loại bỏ cái sai. Đó là tinh thần của người đảng viên cộng sản.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tháng 12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các đảng viên cần nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”, coi như mình vô can. Về việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư lưu ý phải khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng.

Thực hiện tốt nguyên tắc phê bình và tự phê bình cũng sẽ góp phần đẩy mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi đó, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được phát huy thì người đứng đầu không thể một mình quyết được mọi việc, sai phạm nhỏ không thể tích tụ thành sai phạm lớn, để rồi cả tập thể phải vướng vào kỷ luật chỉ vì người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, tập trung quan liêu, coi thường ý kiến của cấp dưới, triệt tiêu tính chiến đấu của cả một tập thể.

Đọc thêm