Mỗi năm khai thác hàng chục ngàn tấn kim loại quý: Lợi nhuận chỉ ngót nghét 100 tỷ đồng

(PLO) - Có lợi thế trong việc khai thác tài nguyên quốc gia nhưng Tổng Công ty khoáng sản TKV (Vimico) nhiều năm gần đây lợi nhuận sau thuế trên dưới 100 tỷ đồng. Đáng nói, sau khi cổ phần hóa thì lãi của đơn vị này giảm.
Trụ sở của Vimico (ảnh: Vimico.vn)

Khai thác hàng chục ngàn tấn đồng, vàng mỗi năm

Tiền thân của Vimico là Tổng Cty khoáng sản Việt Nam, năm 2006 trở thành Cty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Sau nhiều lần điều chỉnh, vốn điều lệ hiện nay của Vimico là 2.000 tỷ đồng lợi thế cực lớn là được phép thăm dò, khai thác nhiều mỏ kim loại quý giá của quốc gia như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, sắt, đất hiếm… Hiện Vimico có 13 Cty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là khai thác các loại mỏ khoáng sản.

Tổng Cty Vimico hiện có công suất khai thác và chế biến khoáng sản kim loại lớn nhất cả nước. Cụ thể, công suất khai thác mỗi năm là 600kg vàng, 11.000 tấn đồng, 11.000 tấn kẽm, 450 tấn thiếc, 5.400 tấn Axít, 190.000 tấn phôi thép... Theo số liệu của Vimico, riêng năm 2017 sẽ khai thác được 571kg vàng, 11.524 tấn đồng tấm, 10.739 tấn kẽm thỏi, 495 tấn thiếc thỏi, 191.650 tấn phôi thép. Như vậy, trong một năm, rất nhiều tài nguyên quý giá của quốc gia được Vimico khai thác, với giá trị nhiều nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vimico đang sở hữu, khai thác những mỏ kim loại màu chất lượng cao, giấy phép khai thác dài hạn. Cụ thể, mỏ đồng Sin Quyền (Lào Cai) là mỏ đồng lớn nhất Việt Nam, trữ lượng khoảng 19,2 triệu tấn quặng; mỏ kẽm Chợ Điền (Bắc Kạn) hơn 362 nghìn tấn; mỏ kẽm chì Làng Hích 123,25 nghìn tấn; mỏ kẽm chì Cúc Đường 579,65 nghìn tấn. Ngoài ra, Vimico còn sở hữu hàng chục mỏ kim loại khác rải rác ở miền Bắc, miền Trung của đất nước. Đây là những lợi thế kinh doanh nhiều DN ao ước mà không có được.

Theo ông Đào Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Vimico, đơn vị này được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Riêng mỏ đồng Sin Quyền còn được đầu tư các chủng loại xe ô tô vận tải hiện đại của Nhật Bản, Hoa Kỳ trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, Vimico là đơn vị được Nhà nước đầu tư lớn, bài bản, lại có lợi thế kinh doanh, khai thác tài nguyên sẵn có của quốc gia nên nhiều người nghĩ đơn vị này sẽ kinh doanh hiệu quả cao, đóng góp ngân sách lớn cho Nhà nước. 

Tại sao lại giảm lãi sau cổ phần hóa?

Đầu năm 2015, Vimico cổ phần hóa (CPH), tuy nhiên vốn tư nhân không đáng kể, chỉ chiếm gần 2%, hơn 98% còn lại là vốn Nhà nước. Theo kế hoạch, thời gian tới đơn vị này tiếp tục thoái vốn, đưa về tỷ lệ vốn Nhà nước còn giữ 65%. Tuy nhiên, việc này được tiến hành khá chậm, chưa xác định được nhà đầu tư lớn sẽ mua cổ phần.

Theo tài liệu kết quả sản xuất kinh doanh của Vimico, trong 5 năm liền (từ 2012 – 2015) không năm nào đạt lợi nhuận sau thuế đến 100 tỷ đồng. Đặc biệt, điều bất thường là trong năm 2015, năm đầu tiên sau CPH, lợi nhuận trước thuế của Vimico chỉ đạt 3,78 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận này năm trước đó (2014) đạt hơn 92 tỷ đồng. Sang năm 2016, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này cũng chỉ đạt 31,96 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn nửa đầu năm 2016, đơn vị này còn báo lỗ 45 tỷ đồng.

Điều đáng nói, doanh thu của đơn vị này không quá nhỏ khi năm 2013 đạt hơn 3.700 tỷ đồng, năm 2014 đạt gần 3.900 tỷ, năm 2015 đạt 3.500 tỷ, năm 2016 đạt 3.900 tỷ. Như vậy, doanh thu của Vimico lớn nhưng lợi nhuận lại không đáng kể, có giai đoạn còn lỗ. Vì sao Vimico được khai thác tài nguyên sẵn có của quốc gia, doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại không đáng kể, đại diện Vimico giải thích với PLVN rằng do chi phí điện, xăng, than… giá cao! (?). Ngoài ra còn do giá bán biến động. Năm 2017, Vimico đặt kế hoạch doanh thu khoảng 5.000 tỷ nhưng lợi nhuận toàn tổng Cty chỉ hơn 200 tỷ đồng.

Lợi nhuận khiêm tốn, trong khi nợ phải trả của Vimico rất đáng quan tâm. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 mới được công bố, nợ phải trả của Vimico tại thời điểm ngày 30/9/2017 là hơn 4137 tỷ đồng (tăng lên so với đầu năm hơn 128 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đều tăng). Nếu so với tổng tài sản của Vimico là hơn 6700 tỷ đồng thì số nợ trên của đơn vị này là không hề ít.

Điều đáng lưu ý khác, dù có nhiều lợi thế kinh doanh tài nguyên có sẵn của quốc gia, nhưng trước khi CPH Vimico chỉ được xác định giá trị DN hơn 3.700 tỷ đồng. Đây là giá trị được nội bộ TKV và Vimico phối hợp tính toán. Theo ông Đào Minh Sơn, giá trị DN của đơn vị này không thuộc đối tượng được Kiểm toán Nhà nước “hậu kiểm”.

Việc xác định đúng giá trị DN rất quan trọng khi CPH, liên quan đến việc tài sản Nhà nước sau cổ phần có bị thất thoát hay không. Tuy nhiên, với đơn vị mang tài nguyên quốc gia đi kinh doanh nhưng giá trị DN lại tự được nội bộ đơn vị này định giá thì thật khó để dư luận không nghi ngờ về tính chính xác?

Tài nguyên khoáng sản là tài sản của toàn dân, được Nhà nước giao cho Vimico khai thác. Đáng lẽ ra, với lợi thế, trách nhiệm của mình, Vimico sẽ đạt lợi nhuận cao, đóng góp lớn cho ngân sách, nhưng những gì đang diễn ra khiến dư luận đặt câu hỏi, hàng ngàn tấn tài nguyên kim loại quốc gia “chảy” đi đâu? 

Đọc thêm