Văn hóa & Pháp luật

Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đảng ta xác định, trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi; có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức.
 Vấn đề hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi những người làm báo là phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng.
Vấn đề hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi những người làm báo là phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng.

Lấy sứ mệnh của cách mạng làm sứ mệnh của mình

Khi nói tới văn hóa báo chí là nói tới các giá trị bền vững của báo chí cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng con người mới, xã hội mới. Văn hóa trong báo chí còn biểu hiện ở việc báo chí góp phần bảo vệ chính nghĩa, đồng hành với lẽ phải và lên án cái xấu, chống lại sự phi nghĩa. Đồng thời, báo chí đóng vai trò lớn hơn là dẫn dắt, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam - đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu. Và báo chí cách mạng Việt Nam sẽ góp phần khơi dậy khát vọng đó. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, báo chí cách mạng thì lấy sứ mệnh của cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người dân, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Cũng chính bởi vậy, mục tiêu cao cả của báo chí cách mạng là phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… của đất nước.

Thời gian qua, báo chí đã tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các hoạt động đối ngoại; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng Đảng, đối ngoại, văn hóa… Đặc biệt, báo chí đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân, sự đoàn kết, nhân ái của xã hội trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đây là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch COVID-19 với phương pháp chống dịch hiệu quả, chi phí thấp và nay bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Chia sẻ về tinh thần dấn thân của đội ngũ những người làm báo, phát biểu tại Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI, diễn ra vào đầu năm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định: Ẩn sâu trong mỗi tác phẩm báo chí là sự dấn thân, không quản hiểm nguy của nhiều nhà báo xung phong lên tuyến đầu chống dịch; là sự lăn lộn, hòa mình vào thực tiễn để tìm tòi, phát hiện những vấn đề bức thiết cuộc sống đang đặt ra; là sự dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch… Điều đó cho thấy, càng trong khó khăn, thử thách, những người làm báo cách mạng càng thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo…

Mới đây, trong buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các “mặt trận”. Trong các thành tựu chung của đất nước, có đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo, các cơ quan báo chí, với thông tin khách quan, trung thực, kịp thời, đúng hướng, tạo chia sẻ, tạo cảm hứng và động lực cho người dân, góp phần để “Dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Đặc biệt, báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng đã đạt được, hoạt động báo chí vẫn còn những bất cập, hạn chế. Cùng với đó, vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí; thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người… Trước tình hình đó, báo chí cách mạng Việt Nam cần không ngừng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang là thông tin, định hướng kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh, biểu dương khí thế của các tầng lớp nhân dân đang đồng tâm, hiệp lực xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Không ngừng trau dồi đạo đức, nghiệp vụ và văn hóa

Để hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đòi hỏi những người làm báo phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, chí công vô tư. Một vấn đề hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi những người làm báo là phải có “đạo đức tốt đẹp và trong sáng”. Theo Người, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động... Bác cho rằng, báo chí là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt, đòi hỏi mỗi nhà báo phải có năng lực cao về trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm…

Trên tinh thần này, vừa qua Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 154 – KH/BTGTW phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Kế hoạch nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Bên cạnh đó, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa, thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam…

Trong bài viết “Báo chí với sứ mệnh khơi dậy, định hướng dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi. Do vậy, trong từng bài báo, trên mỗi chuyên mục, mỗi nhà báo cần có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp ý chí, nhuệ khí cách mạng và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân ta.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà báo, cơ quan báo chí cần nhận thức sâu sắc, toàn diện, đầy đủ về chức năng giám sát, phản biện của báo chí, tránh lợi dụng phản biện để lồng ghép các quan điểm chính trị thiếu đúng đắn, lợi dụng phản biện, góp ý gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. “Cũng cần phải tránh việc phản biện một cách hời hợt, dễ dãi, hình thức. Phải thay đổi tư duy làm báo, chuyển từ báo chí “phản ánh” sang báo chí “kiến nghị” và báo chí “giải pháp” để nâng tầm, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu mỗi nhà báo, mỗi cán bộ báo chí cần có ý chí, bản lĩnh vững vàng, kiên định, không ngả nghiêng dao động, nhưng đồng thời cũng không duy ý chí, không nhụt chí hay thiếu tính sáng tạo; cần nhìn nhận mọi vấn đề dưới lăng kính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật với tấm lòng trong sáng của người cầm bút.

Phát huy truyền thống với chặng đường lịch sử vẻ vang của 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, hướng tới một nền báo chí với các giá trị chân - thiện - mỹ; một nền báo chí mà người làm báo luôn có ý thức trách nhiệm chính trị xã hội để bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Đó vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là chân lý, là “kim chỉ nam” để mỗi nhà báo có đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, sức ép, hiểm nguy và những cám dỗ vật chất tầm thường để dấn thân cống hiến, phục vụ sự nghiệp “phò chính, trừ tà”.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “Tâm sáng, bút sắc”. “Tâm sáng” là phẩm chất quan trọng hàng đầu, phản ánh cái đức của người làm báo. Chỉ khi nhà báo có tâm sáng thì mỗi tác phẩm báo chí của họ mới thật sự có ích cho xã hội. Chỉ khi có tâm sáng, bài viết của nhà báo mới bảo đảm tính trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà”… Cùng với những giá trị đạo đức, nhà báo cách mạng, phải có “bút sắc”, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, cơ sở quan trọng để tạo nên những tác phẩm mang tính chiến đấu, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Mỗi tác phẩm báo chí đòi hỏi phải hội tụ đủ yếu tố nhân văn và hiện đại.