Trong bối cảnh đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia góp phần phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Du lịch.
Theo Bộ VH,TT&DL, đến nay có 9 khu vực tiềm năng được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đó là Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm (Lâm Đồng) năm 2017; Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai) năm 2017; Khu du lịch quốc gia Núi Sam (An Giang) năm 2018; Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh) năm 2019... Bộ VH,TT&DL đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí quản lý môi trường văn hóa ở các khu du lịch quốc gia nhằm góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, văn hóa ở 9 khu du lịch quốc gia nói riêng và các điểm đến khác.
Tại Hội thảo “Các tiêu chí và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa tại các khu du lịch quốc gia ở Việt Nam” mới diễn ra hồi tháng 4, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc khẳng định, xây dựng môi trường văn hóa là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ trọng yếu được xếp song song với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa ở khu du lịch quốc gia gồm 5 nhóm với gần 50 tiêu chí. Đó là các nhóm tiêu chí liên quan đến: Xây dựng thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị phong tục, tập quán và các giá trị tài nguyên du lịch khác; xây dựng đạo đức lối sống quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch; đặc thù riêng về phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động du lịch tại khu du lịch quốc gia. Các tiêu chí để đạt được danh hiệu khu du lịch quốc gia khá cao và khắt khe. Việc bảo đảm các tiêu chí môi trường văn hóa sẽ góp phần thu hút đông đảo du khách.