Chàng trai có bộ sưu tập 'cây đẻ ra tiền', mỗi chiếc lá giá hàng trăm triệu đồng

Tony Le-Britton có một bộ sưu tập cây quý hiếm ngay trong phòng khách, trong đó có một cây đột biến, mỗi chiếc lá trị giá 12.000 bảng.

Là một nhiếp ảnh gia và nhà tạo mẫu tóc, nhưng Tony lại có "tình yêu bất tận" với thực vật. Anh đã biến căn phòng khách của mình ở thị trấn Cheltenham, hạt Gloucestershire (Anh) thành một nhà kính để thỏa mãn đam mê.

Bộ sưu tập của anh có hơn 100 loại cây quý hiếm, trong đó có những cây đột biến, cây tưởng như đã tuyệt chủng, một số loại thậm chí còn không có tên trong tài liệu khoa học.

Điển hình nhất là cây Rhaphidophora Tetrasperma Variegata. Mỗi chiếc lá của nó đang được bán với giá 12.000 bảng Anh (386 triệu đồng). Hiện có một danh sách dài khách hàng chờ mua.

"Loài cây không có nhiều đốm này khá phổ biến, có thể tìm thấy bất cứ đâu. Nhưng phiên bản của tôi là đột biến. Chính điều này làm nó trở nên quý hiếm", chàng trai 30 tuổi nói. "Tôi đã bán được 3 đơn hàng với 12.000 bảng cho mỗi chiếc lá. Có rất nhiều người đang liên hệ với tôi để mua về nhân giống. Nó giống như trồng tiền trên cây vậy", anh nói thêm.

Hôm 16/2, Tony cập nhật tình hình về "cây tiền" trên trang cá nhân, cho biết cây đang khá "sung mãn. "Người đẹp này vẫn cho ra một chiếc lá mới mỗi tuần", anh viết trên Instagram.

Cây đẻ ra tiền của Tony. Ảnh: Tony Le-Britton.

Cây "đẻ ra tiền" của Tony. Ảnh: Tony Le-Britton.

Chàng trai cũng là chủ sở hữu cây có tên Monastera sp Bolivia - một giống mới chưa có tên trong thư viện khoa học. Cây này đến từ một nhà sưu tập thực vật ở Áo. Tony nhận được nó khi còn là một mẩu thân cây nhỏ nhưng đến nay đã phát triển rất lớn. "Khi tôi đăng một ảnh nó lên mạng, một nhà thực vật ở Bolivia đã liên hệ với tôi để xin thêm ảnh bởi anh ấy không có chút hồ sơ gì về loại cây này. Chỉ có duy nhất một cách để tìm hiểu xem nó thực sự là gì, đó là tìm trong tự nhiên. Bằng cách sử dụng thân và lá, chúng tôi có thể xác định họ của cây đó".

Độ hiếm trong bộ sưu tập của Tony không dừng lại ở đó. Anh thậm chí còn sở hữu một loài thực vật kỳ lạ, tên Begonia Chloristica. "Nó được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên vài năm trước. Tôi đã tìm được một chiếc lá từ một nhà sưu tập ở châu Âu", anh chia sẻ.

Tình yêu của Tony với cây cối bắt nguồn từ ông bà mình, những người thường xuyên dẫn anh tới thăm những nhà vườn  thời thơ ấu. Bà của anh cũng nổi tiếng trong vùng với một bộ sưu tập thực vật.

Tony bên bộ sưu tập cây của mình. Ảnh: Tony Le-Britton.

Tony bên bộ sưu tập cây của mình. Ảnh: Tony Le-Britton.

Anh làm nhà kính ngay trong phòng khách. Trung bình mỗi tuần dành 3 giờ để cắt bỏ lá chết, kiểm tra rễ và tưới nước. Nhà kính được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, vì vậy Tony có thể kiểm tra mọi thứ trên điện thoại của mình. "Nó thực sự không mất nhiều thời gian", anh nói.

Chàng trai 30 tuổi cho biết chưa bao giờ tính tổng giá trị các cây đang sở hữu, nhưng anh biết nó không hề nhỏ. "Nói vui thì những cái cây này có thể đáng giá hơn một số ngôi nhà. Nhưng tôi có một bộ sưu tập các loài thực vật cực kỳ quý hiếm mà nhìn từ bên ngoài không ai có thể đoán được - và tôi thích điều đó".

Đọc thêm