Lâm Đồng quyết tâm ứng phó sạt trượt đất: Bài 4 - Chủ động ứng phó sạt trượt đất mùa mưa 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lâm Đồng chuẩn bị bước vào mùa mưa 2024 với nhiều dự báo khó lường về tình trạng sạt trượt đất. Vậy giải pháp căn cơ xử lý hiệu quả lâu dài tình trạng sạt trượt, hạn chế tối đa thiệt hại do sạt trượt là gì? Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam liên quan nội dung này.
Năm 2023, Lâm Đồng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt trượt đất gây ra.
Năm 2023, Lâm Đồng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt trượt đất gây ra.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.

Triển khai cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét

Mùa mưa năm 2023, Lâm Đồng đã hứng chịu những thiệt hại lớn do sạt trượt đất gây ra. Sau đó Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia với mong muốn tìm ra giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Vậy xin hỏi ông công tác này hiện đã thực hiện đến đâu? Gặp những khó khăn nào không?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Thứ nhất, về tình hình thực hiện: Sau những thiệt hại do thiên tai sạt lở, ngập lụt xảy ra trên địa bàn tỉnh vào đầu mùa mưa năm 2023, ngày 22/9/2023, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo để đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các tổ chức và chuyên gia trong và ngoài tỉnh. Hội thảo đã đánh giá được các nguyên nhân khách quan, chủ quan; đưa ra được các giải pháp trước mắt phải thực hiện ngay và giải pháp lâu dài để phòng chống tình trạng sạt trượt, ngập lụt cục bộ.

Sau Hội thảo, Ủy ban cũng đã giao các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Hiện các sở, ngành địa phương đang triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau: Rà soát các công trình tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc có độ chênh taluy lớn để sớm xử lý; Rà soát các đồ án quy hoạch để đảm bảo hạn chế tối đa sạt trượt, ngập lụt; đảm bảo quy hoạch thoát nước; Lập bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét để làm cơ sở quản lý quy hoạch, xây dựng công trình.

Kỹ sư quan trắc tìm nguyên nhân sạt lở đất tại Đà Lạt năm 2017.

Kỹ sư quan trắc tìm nguyên nhân sạt lở đất tại Đà Lạt năm 2017.

Đồng thời UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm sạt lở, ngập lụt; Tiếp tục thực hiện đề tài Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu ngập lụt cho khu vực nội ô Đà Lạt đã được tỉnh phê duyệt danh mục năm 2023 và triển khai đầu tư các công trình phòng chống bão lụt do Trung ương hỗ trợ năm 22024.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 2151/KH-UBND ngày 19/3/2024) để cụ thể hóa Đề án 1262 của Thủ tướng Chính phủ; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương; và hướng tới mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành hệ thống bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét có tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn (1:5000, 1:2000) cho các vị trí có nguy cơ cao; tiến tới quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ở những khu vực này; đồng thời thiết lập hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất (ví dụ hệ thống loa cảnh báo sạt lở ở khu vực có nguy cơ cao khi ghi nhận lượng mưa vượt ngưỡng), hệ thống cảnh báo sớm ngập lụt ở các sông suối chính trên địa bàn tỉnh.

Sạt trượt đất không chỉ đe doạ tính mạng, tài sản người dân mà còn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án ở Lâm Đồng.

Sạt trượt đất không chỉ đe doạ tính mạng, tài sản người dân mà còn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án ở Lâm Đồng.

Thứ hai, về một số khó khăn trong triển khai: Trước hết, địa hình tỉnh Lâm Đồng chủ yếu đồi dốc, cùng với việc biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa tăng và tăng đột ngột vào một vài thời điểm dẫn đến tình trạng sạt lở, ngập lụt có thể xảy ra bất ngờ, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, với điều kiện địa chất trên địa bàn tỉnh một số khu vực có nền địa chất phức tạp, mái dốc chủ yếu là phong hóa từ đá bazan tính liên kết kém, bở rời, nhất là khi có mưa lớn kéo dài, đất bị bão hòa nước, suy giảm độ bền, dẫn đến sạt lở, trượt, nứt đất.

Khó khăn nữa là công tác xử lý nhà ở và công trình vi phạm trật tự xây dựng, san lấp, lấn chiếm sông suối; giải tỏa nhà kính ở khu vực nội ô Đà Lạt và một số khu vực lân cận đang được thực hiện, nhưng vẫn cần nhiều thời gian và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và rất sự đồng thuận của người dân.

Bên cạnh đó, nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, gia cố những khu vực có nguy cơ sạt lở đất là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ, trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế; Năng lực, kinh nghiệm của các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh trong việc đánh giá nguyên nhân, đưa ra giải pháp xử lý và ứng phó với sự cố sạt lở đất còn hạn chế, do đó khi xảy ra sự cố cần được sự hỗ trợ, tư vấn của Bộ, ngành trung ương và các chuyên gia đầu ngành về địa chất, thủy văn.

Mùa mưa 2024 đang đến gần, để hạn chế thiệt hại do sạt trượt đất gây ra, tỉnh đã có những kịch bản ứng phó ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Để nâng cao tính chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh (tại Quyết định số 1422/QĐ-UBND ngày 24/7/2023). Phương án được xây dựng với các kịch bản ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai khác nhau.

Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương cũng đã ban hành phương án ứng phó chi tiết với các kịch bản ứng phó ngắn hạn và được rà soát, cập nhật hàng năm. Đồng thời Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Lâm Đồng 2024 cũng đã được UBND tỉnh ban hành tại Kế hoạch số 541/KH-UBND ngày 17/01/2024, trong đó đã đưa ra giải pháp và phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong năm 2024.

Bài toán nguồn lực

Bên cạnh các ý tưởng thì để chống sạt trượt hiệu quả cần có nguồn lực, vậy Lâm Đồng chuẩn bị nguồn lực cho công tác này ra sao?

Phó Chủ tịch Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc (đứng giữa) trong một lần kiểm tra công trình hồ chứa nước tại huyện Đức Trọng.

Phó Chủ tịch Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc (đứng giữa) trong một lần kiểm tra công trình hồ chứa nước tại huyện Đức Trọng.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Công tác phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và cần phải có nguồn lực rất lớn.

Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ về tư vấn, nghiên cứu đề tài khoa học, xây dựng bản đồ phân vùng, mua sắm các thiết bị phục vụ công tác cảnh báo sớm sạt trượt, ngập lụt.

Về lâu dài, địa phương sẽ tính toán hợp lý cơ cấu nguồn lực giữa các cấp ngân sách, tăng cường huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các dự án, công trình phòng chống sạt trượt đất.

Đối với các dự án đầu tư như kè chống sạt lở; nạo vét thoát lũ; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị cần nguồn vốn rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ. UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh về các nguồn vốn để thực hiện, trong đó phân chia rõ lộ trình và cơ quan thực hiện đảm bảo phù hợp với các quy định.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ nguồn vốn 280 tỷ cho các địa phương, đơn vị (tại Quyết định số 428/QĐ-UBND ngày 14/3/2024) để thực hiện sữa chữa, nâng cấp, khắc phục 11 công trình, hạng mục công trình bị thiệt hại, hư hỏng và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra năm 2023; trong đó, đa số là các công trình phòng ngừa, khắc phục sạt lở đất.

Chuyên gia Nhật Bản dùng Drone khảo sát địa hình để phòng chống sạt lở tại Đà Lạt năm 2023.

Chuyên gia Nhật Bản dùng Drone khảo sát địa hình để phòng chống sạt lở tại Đà Lạt năm 2023.

Để công tác chống sạt trượt hiệu quả, địa phương có kiến nghị gì với Trung ương để tháo gỡ khó khăn?

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Để hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện công tác phòng, chống sạt trượt, ngập lụt cục bộ được hiệu quả, kính đề nghị các cơ quan Trung ương xem xét một số nội dung sau:

Một là, Hỗ trợ tỉnh sớm khởi công và thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc để đưa vào sử dụng nhằm phá bỏ thế độc đạo của tuyến đường đèo Bảo Lộc, từ đó giảm nguy cơ xảy ra thiệt hại do sạt lở gây ra trên tuyến quốc lộ 20.

Hai là, Tiếp tục hỗ trợ tỉnh kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; trong đó, cần xem xét kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục thiên tai hằng năm, do một số công trình khắc phục hậu quả thiên tai phải thực hiện các hồ sơ, thủ tục cần nhiều thời gian và có khối lượng lớn.

Ba là, Hỗ trợ địa phương về chuyên môn và ứng dụng khoa học công nghệ trong việc khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân sạt lở, sụt trượt đất tại một số công trình trên địa bàn tỉnh; nhất là khu vực dự án hồ Đông Thanh, huyện Lâm Hà.

Bốn là, Ủy ban quốc gia về phòng, chống thiên tai nghiên cứu tổ chức Hội thảo, chương trình tập huấn, diễn tập kịch bản phòng chống thiên tai cho các địa phương; đồng thời, xem xét tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh.

Đọc thêm