Còn gần 9.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam

(PLVN) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 3482/BTNMT-TCMT gửi các Bộ: Công Thương; Giao thông vận tải; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính và Xây dựng đề nghị báo cáo tình hình nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng.
Còn gần 9.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng biển Việt Nam

Phần lớn là rác phế liệu

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay số container khai báo là phế liệu đang lưu giữ tại các cảng biển là 13.737 container, giảm 7.217 container so với cuối năm 2018. Trong đó, có 5.150 container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày, 3 container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày. Số lượng container tồn đọng hơn 90 ngày vẫn còn 8.584 chiếc.

Số container phế liệu tồn đọng này quá 90 ngày kể trên đã được đăng thông báo rộng rãi, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đơn vị nhập khẩu đến nhận.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg (ngày 17/9/2018) của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng tàu biển báo cáo về các chủ hàng của lô hàng phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển; thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh cảng kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định...

Ngày 11/7/2019, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn số 6113/VPCP-KGVX thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tình trạng hàng hóa đã qua sử dụng được đưa về Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau như tạm nhập, tái xuất, xách tay hoặc là nhập bằng hình thức gian lận, nhập lậu. Các loại hàng hóa này tỷ lệ sử dụng rất thấp, phần lớn là rác phế liệu, không thể tái chế, trở thành một nguy cơ lớn cho xã hội và môi trường.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan báo cáo về tình hình kiểm soát nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Căn cứ chỉ đạo trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao Báo cáo tình hình nêu trên đề xuất chủ trương, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các loại hàng hóa đã qua sử dụng, bảo đảm các yêu cầu về môi trường gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo  gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Tổng cục Môi trường.

Hàng loạt sai phạm

Cũng liên quan đến vấn đề nhập khẩu phế liệu, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản số 1548/KL-UBND về kết luận thanh tra hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Hàng loạt doanh nghiệp sai phạm đã được “điểm tên” trong các hoạt động liên quan phế liệu nhập khẩu.

Sau quá trình thanh tra, UBND tỉnh Bắc Ninh kết luận: Có 4/15 tổ chức có một số tháng nhập khẩu không đúng khối lượng được phép nhập khẩu.

Cụ thể: Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Quang Huy. Theo thông báo khối lượng phế liệu dự kiến được phép nhập khẩu theo giấy xác nhận là 90 tấn/tháng nhưng doanh nghiệp nhập 116,19 tấn, vượt 26,19 tấn.

Như vậy doanh nghiệp này đã nhập khẩu phế liệu vượt quá khối lượng cho phép quy định tại giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 17/XN-TNMT ngày 15 tháng 7 năm 2013 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cấp (thời điểm vi phạm tháng 7, tháng 8 năm 2013).

Công ty TNHH MTV Vina Paper. Theo thông báo khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu trên giấy xác nhận là 1.500 tấn/tháng nhưng doanh nghiệp đã nhập 2.163 tấn vượt 663 tấn. Như vậy, doanh nghiệp đã nhập khẩu phế liệu vượt quá khối lượng quy định tại văn bản số 1/STNMT-CCM ngày 5/1/2016 của Sở tài nguyên môi trường tỉnh Bắc Ninh (thời điểm vi phạm tháng 1 năm 2016).

Công ty TNHH sản xuất giấy và bao bì Phú Giang. Theo báo cáo khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu theo giấy xác nhận là 3.000 tấn một tháng nhưng doanh nghiệp nhập 3.580 tấn vượt 580 tấn. Như vậy, doanh nghiệp đã nhập khẩu giấy phế liệu vượt khối lượng so với khối lượng giấy phế liệu được phép nhập khẩu trong giấy chứng nhận và đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (thời điểm vi phạm tháng 11 năm 2017).

Công ty TNHH sản xuất giấy và bao bì Phương Đông có 8 lần nhập khẩu giấy phế liệu vượt khối lượng 16887 tấn so với khối lượng giấy phế liệu được phép nhập khẩu trong giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (thời điểm vi phạm tháng 8,10, 11, 12 năm 2017; tháng 1, 4, 5, 6, năm 2018).

Về việc sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản, có 2 tổ chức sử dụng phế liệu nhập khẩu vào sản xuất theo qui định và có phần sử dụng không đúng quy định gồm: Công ty TNHH Đông Á bán giấy phế liệu nhập khẩu cho một số đơn vị khác. Bán 3.117,1 tấn/tổng nhập là 26.071,7 tấn  (năm 2015: 956,3 tấn; năm 2016: 800 tấn; năm 2017: 1.360,8 tấn).

Công ty TNHH sản xuất giấy và bao bì Phương Đông bán giấy phế liệu nhập khẩu cho một số đơn vị khác tổng số 7.398,9 tấn/tổng nhập là 21.530 tấn (năm 2017: 1.634,3 tấn; năm 2018: 5.764,6 Tấn).

Có 1 tổ chức sử dụng phế liệu nhập khẩu không đúng quy định là Công ty TNHH Công nghệ môi trường Tiến Thịnh Phát không đưa vào sản xuất nguyên liệu mà bán toàn bộ phế liệu giấy nhập khẩu từ nước ngoài cho tổ chức khác tổng số 4.703,6 tấn (năm 2016 bán 1.195,5 tấn;  năm 2017 bán 2.048,5 tấn ; năm 2018 bán 1.459,6 tấn).