Vì sao nông dân vẫn đốt rơm rạ?

(PLVN) - Nhiều năm trở lại đây, tình trạng người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa diễn ra phổ biến tại các địa phương. 
Việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người
Việc đốt rơm rạ làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người

Gây ô nhiễm, độc hại...

Trước kia, lúa được cắt sát gốc, xén bớt phần rạ, nông dân mang về tuốt. Rơm rạ được phơi khô, phần thì chất đống đun nấu hàng ngày, phần được dùng để che luống cây vừa giữ nước, vừa hạn chế cỏ; vừa có thể dùng để lợp nhà, trộn bùn trát vách đất, làm thức ăn cho trâu, bò. 

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhu cầu rơm rạ làm chất đốt không còn. Việc che luống cây đã có nilon thay thế. Rơm rạ trở nên thừa thãi. Bởi vậy, khi thu hoạch, bà con xén ngọn để máy tuốt tại ruộng. Phần gốc được cắt phơi lẫn với rơm một hai nắng rồi đốt luôn trên đồng ruộng “vừa không tốn công, vừa đỡ tốn tiền xử lý rơm rạ”. Rơm rạ bị đốt khi còn ẩm gây khói mù mịt, cháy âm ỉ cả ngày lẫn đêm.

Mặc dù tro rơm rạ có nhiều lợi ích, như giúp cải tạo cấu trúc đất, làm giàu thành phần phân ủ, cung cấp dưỡng chất cho cây. Song tình trạng đốt rơm rạ lại gây ra nhiều tác hại với môi trường, sức khỏe con người và an toàn giao thông.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Đốt phế thải nông nghiệp sẽ tạo ra các khí độc hại như CO, NO2, SO2, H2O, đặc biệt bụi mịn, CO2… Trung bình 1ha lúa cho nhiều tấn rơm rạ. Khi số rơm rạ này bị đốt, khối lượng rất lớn các chất độc hại thải ra ô nhiễm môi trường…

Đề cập đến tác hại của khói bụi do đốt rơm rạ với sức khỏe con người, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết: Trong khói đốt rơm rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở. Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (monoxide carbon), là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…

Thời gian gần đây, Hà Nội thường xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động. Theo phân tích dữ liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại khu vực ngoại thành, từ 18h đến 24h các ngày 3/6 đến 6/6, chất lượng không khí một số huyện ở mức kém và rất xấu. Điển hình như, khu vực thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), chỉ số AQI là 240 (mức rất xấu); khu vực xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chỉ số AQI là 102 (mức kém)... 

Khói rơm rạ còn mang lại nhiều hiểm họa với an toàn giao thông. Có những đống rơm được đốt ngay ven đường che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, gây tai nạn. Thậm chí, việc bà con huyện Sóc Sơn đốt rơm rạ gần Sân bay Nội Bài từng khiến Cảng vụ Hàng không miền Bắc phải gửi công văn đề nghị huyện vào cuộc ngăn chặn, không làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không.

Nhiều giải pháp, nhưng nông dân không mặn mà

Trước thực trạng đốt rơm rạ diễn ra ở hầu hết các địa phương gây nên nhiều hiểm họa, những năm qua, công tác tuyên truyền vận động bà con không đốt rơm rạ đã được thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp xử lý rơm rạ cũng được đưa ra.

Ý tưởng dùng rơm rạ trồng nấm, vừa giải quyết tình trạng khói bụi, vừa tăng thu nhập từng được đặt ra. Bã rơm mục sau khi thu hoạch nấm xong, có thể dùng làm phân bón hữu cơ cung cấp lại cho đồng ruộng, làm đất tơi xốp và duy trì được độ màu mỡ.

Biện pháp cày vùi để duy trì lượng đạm trong đất, tạo cho đất nhiều chất hữu cơ, giúp cây lúa bén rễ tốt hơn cũng được đưa ra. Tuy nhiên để rơm rạ phân hủy tốt hơn, nhanh hơn, không gây ngộ độc hữu cơ cho ruộng lúa, phải dùng chế phẩm phun lên rơm rạ trước khi cày xới.

Một biện pháp khác cũng được khuyến khích thực hiện là sử dụng nguồn phụ phẩm rơm làm thức ăn chăn nuôi trâu bò, hay sử dụng men vi sinh xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. 

Hà Nội từng triển khai mô hình “TP không đốt rơm rạ” với kỳ vọng rơm rạ không còn bị đốt bỏ. Theo ông Lê Tuấn Định, PGĐ Sở TN&MT Hà Nội, Sở đã tiến hành các biện pháp nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ trên địa bàn. Lộ trình được đặt ra: Năm 2018, thực hiện mô hình “Phường/xã không đốt rơm rạ”; TP hỗ trợ 50% kinh phí xử lý rơm rạ và cấp huyện hỗ trợ 50% kinh phí bằng chế phẩm sinh học. Năm 2019, nhân rộng mô hình “Phường/xã không đốt rơm rạ” trên cơ sở TP hỗ trợ 10% kinh phí xử lý rơm rạ; cấp huyện hỗ trợ 30% và người dân tự chi trả 60% kinh phí còn lại. Năm 2020, thực hiện mô hình “TP không đốt rơm rạ”, kinh phí xử lý do hộ nông dân tự nguyện chi trả.

Dù Hà Nội đặt ra mục tiêu cụ thể và có nhiều giải pháp thiết thực như vậy, song đến nay tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), một trong những nguyên nhân của việc Hà Nội ô nhiễm không khí là đốt rơm rạ.

Thực trạng này cũng diễn ra tương tự tại một số địa phương mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo người dân, với một khối lượng rơm rạ quá lớn, nếu không đốt, cũng chưa có cách xử lý hiệu quả. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón chưa thuận tiện với bà con. Việc ủ đống cần mặt bằng, bạt che, chưa kể chuyện đảo rơm và bổ sung nước mất nhiều công sức. Việc cung ứng chế phẩm sinh học chưa rộng rãi, tiêu tốn nhiều tiền. Nếu ủ  mục bằng cách rải rơm tại ruộng lại cần lượng nước mặt ruộng tối thiểu là 5cm, với những cánh đồng cao là khó thực hiện.

Đọc thêm