Xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL trong mùa khô 2021

(PLVN) - Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, 3; phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) khoảng 55-75km. Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn xâm nhập mặn tập trung vào tháng 3, 4; phạm vi xâm nhập mặn từ 45-95km.

Theo thông tin từ Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC), từ nửa cuối tháng 1 đến cuối tháng 2/2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (tại trạm Kratie-Campuchia) về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 5-15%; từ tháng 3-5/2021, khả năng ở mức tương đương TBNN.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng mùa khô năm 2021 biến đổi theo triều và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,3m. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL gia tăng và xâm nhập sâu tại các cửa sông chính từ nửa cuối tháng 1/2021.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 26/2-2/3), tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3). Riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn xâm nhập mặn tập trung vào tháng 3, 4 (từ 9-14/4, từ 24-28/4), sau giảm dần. Phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80-95km; sông Cái lớn từ 45-52km…

Xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL trong mùa khô 2021.
Xâm nhập mặn dự báo sẽ diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL trong mùa khô 2021.

Trước thực trạng trên, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia khuyến nghị: “Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo KTTV và có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn”.

Theo đó, vùng thượng ĐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ), nguồn nước cần được đảm bảo cho sản xuất, đồng thời cần tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) để đề phòng khô hạn xuất hiện.

Sử dụng hệ thống bơm dẫn trữ nước ngọt cho bà con tại ĐBSCL. Ảnh: Trần Lưu
 Sử dụng hệ thống bơm dẫn trữ nước ngọt cho bà con tại ĐBSCL. Ảnh: Trần Lưu

Vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm 2021.

Chủ động giảm diện tích vụ Đông xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020. Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả.

Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), nhiều địa phương chủ động bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất. Đảm bảo nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6…

Để quản lý tốt sản xuất trồng trọt năm 2021, giảm thiệt hại thấp nhất do ảnh hưởng hạn, mặn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, Giồng Trôm phối hợp địa phương sớm khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa vụ 3 (vụ Đông Xuân 2020-2021), nhằm tránh thiệt hại do có thể ảnh hưởng hạn, mặn.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến hạn, mặn để kịp thời thông báo đến nông dân chủ động phòng, chống. Các ngành chức năng Bến Tre khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ việc đóng mở cống đầu mối hợp lý. Người dân cần kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng nước tưới tiêu, chủ động trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm khi độ mặn còn thấp.

Đọc thêm