- Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự đóng góp của hệ thống các cơ sở đào tạo do Bộ Tư pháp quản lý trong công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước?
Bộ Tư pháp đang quản lý 06 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, pháp luật gồm Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, 04 Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ (một trường đã được sáp nhập vào Trường đại học Luật Hà Nội). Các cơ sở đào tạo do Bộ Tư pháp quản lý đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tôi xin nhấn mạnh một số việc lớn như sau:
VớI 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội đã, đang là cơ sở đào tạo luật có uy tín đứng đầu tại Việt Nam. Từ năm 1979 đến nay, Trường đã đào tạo được gần 120 ngàn cử nhân; hàng ngàn tiến sỹ, thạc sỹ cho đất nước; nhiều đồng chí nguyên là cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đang trong quá trình xây dựng thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật để vươn mình đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.
Bộ trưởng Lê Thành Long |
Đối với Học viện Tư pháp: Với hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển, Học viện đang từng bước trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Từ năm 1998 đến nay, Học viện đã đào tạo cho 59.862 học viên (trong đó đào tạo: thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại, lý lịch tư pháp, trung cấp lý luận chính trị - hành chính…) hoàn thành vượt mức tổng chỉ tiêu, tiến độ, kế hoạch đề ra. Công tác bồi dưỡng công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và theo nhu cầu xã hội được đẩy mạnh, tăng cường. Chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, Học viện Tư pháp còn hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào tổ chức đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp cho 160 giảng viên, cán bộ tư pháp và pháp luật làm việc trong các lĩnh vực thi hành án, công chứng viên, thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp của Lào.
Kể từ năm 2009 đến nay, các Trường Trung cấp Luật đã và đang tiến hành tuyển sinh, đào tạo được trên 13.075 học sinh. Hiện các Trường vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo Trung cấp Luật nhằm tăng cường nguồn nhân lực làm công tác pháp luật. Năm 2019, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, các Trường đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp thành Trường cao đẳng. Bên cạnh giữ ổn định về quy mô tuyển sinh, đào tạo trong nước, một số Trường đã có hướng đi mới thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với CHDCND Lào tuyển sinh đào tạo trung cấp luật cho lưu học sinh Lào.
Với những đóng góp nêu trên của các cơ sở đào tạo cho công cuộc đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý.
-Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đào tạo cán bộ pháp luật của các cơ sở đào tạo như hiện nay, hệ thống các Trường của Bộ gặp phải những khó khăn gì và xin Bộ trưởng cho biết định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới?
Qua thống kê, cả nước có khoảng hơn 90 cơ sở đào tạo luật và các chức danh tư pháp. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đào tạo cán bộ pháp luật của các cơ sở đào tạo và những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động như hiện nay, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp quản lý cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh và đặc biệt là chuẩn bị cho việc tự chủ Đại học, Cao đẳng, đào tạo nghề trong thời gian tới.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức này, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các cơ sở đào tạo thuộc Bộ không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để bổ sung kịp thời nguồn cán bộ làm công tác pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Ngày 16/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1030/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp đến năm 2021, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định:
Duy trì và phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”.
Duy trì, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới hoạt động để phát triển Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nghề luật, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp.
Rà soát, đánh giá các điều kiện, năng lực và nhu cầu xã hội để tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ. Thực hiện nâng cấp 03 Trường Trung cấp Luật lên Cao đẳng Luật tại 03 miền Bắc, Trung, Nam. Giải thể Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột để thành lập Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk (từ ngày 31 tháng 12 năm 2019). Chuyển giao Trường Trung cấp Luật Tây Bắc về Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La quản lý hoặc chuyển đổi thành phân hiệu của 01 Trường Cao đẳng Luật trực thuộc Bộ Tư pháp theo quy định. Từ năm 2025, duy trì 03 trường Cao đẳng Luật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, tài liệu, phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng và mạnh về chất lượng để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cao đẳng luật.
-Nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam Bộ trưởng có nhắn gửi điều gì đến giáo viên các nhà trường trong hệ thống?
Nhân kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của các Trường và Học viện, chúc mừng những thành quả mà các thầy giáo, cô giáo đã đạt được.
Tôi mong các thầy, cô luôn tận tâm, nhiệt huyết truyền tải pháp luật, kiến thức và kỹ năng đến với người học; định hướng, động viên người học tích cực học tập, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn. Với lòng say mê nghề nghiệp, mỗi thầy, cô hãy chủ động học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón nhận thời cơ, hóa giải thách thức; chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đồng thời, mỗi thầy, cô cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học viên, học sinh, sinh viên noi theo trong học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng, thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ, tôi gửi tới các thầy giáo, cô giáo cùng gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong công tác, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người” nói chung và hoạt động đào tạo cán bộ pháp luật phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói riêng.
-Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!