Đề nghị không giới hạn quyền được TGPL của trẻ em
Nhận định, Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL, sửa đổi) tuy mới được trình Quốc hội lần đầu nhưng đã thể hiện khá bao quát các vấn đề về TGPL, cụ thể hóa nhiều các quy định trong Hiến pháp 2013 và cơ bản đã đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, theo ĐB Ngô Thị Minh, Quảng Ninh thì diện người được TGPL bị thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành, đặc biệt với một số nhóm yếu thế quy định trong Luật Người khuyết tật và Luật Trẻ em. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo thiết kế theo hướng: Không giới hạn quyền được TGPL của trẻ em, không hạn chế về điều kiện kinh tế, thành phần xuất thân, hoàn cảnh gia đình, địa bàn sinh sống của các em.
ĐB Huỳnh Thanh Cảnh, Bình Thuận thì cho rằng, cần tiếp tục rà soát đầy đủ các đối tượng đang được pháp luật hiện hành quy định thuộc diện được TGPL đã quy định trong luật này. “Cần xem xét, bổ sung thêm số đối tượng cần được quan tâm của Nhà nước khi có vấn đề liên quan đến vụ việc pháp lý như người bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị buộc tội, người bị nhiễm chất độc da cam, không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn”, ĐB Cảnh nói. Còn ĐB Hoàng Văn Hùng, Thái Nguyên đề xuất Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự công bằng những người ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và nghiên cứu mở rộng những người thuộc diện được TGPL để thống nhất với một số luật liên quan. Mạnh dạn hơn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ninh Thuận cho rằng không nên “nhăm nhăm vào hoạt động TGPL miễn phí cho các đối tượng chính sách” mà “cần mở rộng hơn nữa hoạt động TGPL cho mọi đối tượng, kể cả hoạt động TGPL đối với các đối tượng có điều kiện về tài chính, đây cũng là kênh rất tốt cho việc hỗ trợ cho hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong người dân, trong xã hội”.
Địa bàn khó khăn cần có Chi nhánh TGPL
ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đồng tình cao với Chính phủ về ý tưởng xây dựng một mô hình TGPL tinh gọn, chuyên nghiệp hóa và chất lượng cao. Việc thu gọn phạm vi TGPL, thu gọn cộng tác viên và nhất là việc cắt các chi nhánh TGPL từ lâu được coi là chân rết của trung tâm TGPL thực sự là một ý tưởng rất mạnh dạn, sẽ giảm bớt đi quyền lợi của ngành. Tuy nhiên, đứng ở góc độ lợi ích chung, lợi ích của Nhà nước cũng như của người dân ĐB Trang cho rằng “rất có lợi”. Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Luật, Kiên Giang cũng tán thành tinh gọn nâng cao hiệu quả tổ chức TGPL của Nhà nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả công tác TGPL. Dự thảo Luật không quy định chi nhánh với tư cách là một tổ chức của trung tâm TGPL cũng như việc thành lập mới các chi nhánh, quy định như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, ĐB đề nghị, các trung tâm TGPL phải đổi mới phương thức TGPL thông qua việc tổ chức lại cách thức tiếp cận yêu cầu TGPL, tổ chức lại địa điểm cho người được TGPL dễ dàng tiếp cận có thể thực hiện tại trụ sở của tổ chức đó hoặc tăng cường TGPL lưu động.
ĐB K’Choi, Đắk Nông, cho rằng, việc tinh gọn tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL là phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục duy trì hình thức chi nhánh của trung tâm TGPL Nhà nước đã được thành lập trước đây thì vẫn cần phải quy định trong luật làm cơ sở hợp lý cho các tổ chức này hoạt động. Ở một số tỉnh miền núi, địa bàn đi lại gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục tổ chức chi nhánh của trung tâm TGPL.
Giải trình ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi xây dựng Luật TGPL năm 2006, lúc đó do nhận thức, do điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội và cũng rất nhiều lý do, do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ cho nên Luật TGPL hiện hành “ôm đồm” trong phạm vi điều chỉnh. Từ đó đến nay đã có nhiều văn bản pháp luật khác ban hành như Nghị định 77/CP về tư vấn pháp luật, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013… Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có các đề án phổ biến riêng cho từng đối tượng chính sách; thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đến nay có khoảng 111 nghìn tổ hòa giải để giải quyết các xích mích, các mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, giữa vợ chồng con cái với nhau hoặc trong cộng đồng làng xã có rất nhiều vụ việc mà chúng ta hiểu là TGPL. Vì thế, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chính phủ muốn căn chỉnh Luật TGPL lần này là phân sân rõ ràng, trả lại TGPL đúng bản chất cho người nghèo và cho người không có khả năng được trợ giúp; phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định pháp luật các nước. Bộ trưởng cũng nhìn nhận, không ai muốn hạn chế về đối tượng nhưng cơ bản là không có khả năng chi trả về mặt tài chính.
Về chất lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đang cố gắng để người nghèo, đối tượng chính sách, những người được thụ hưởng pháp lý được một dịch vụ pháp lý về cơ bản sẽ được tiến tới như một con người bình thường. Tương tự, liên quan đến chất lượng thì trình độ và yêu cầu đối với Trợ giúp viên pháp lý hiện có khoảng 600, hầu hết đã đạt tiêu chuẩn chỉ thêm quy định về tập sự”.
Bộ trưởng cũng giải trình thêm các vấn đề liên quan đến xã hội hóa và khẳng định “không có bất cứ một quy định nào mâu thuẫn với Luật Luật sư”. Các ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.