Tránh tình trạng “làm miễn phí thì thế nào cũng được”
Do đối tượng phục vụ của trợ giúp pháp lý (TGPL) rất đặc thù, là người nghèo và các đối tượng chính sách nên đòi hỏi TGPL phải theo quy chuẩn nhất định để tránh tình trạng “làm miễn phí thì thế nào cũng được”, hoặc kiểu ban ơn, nhận thức đơn giản như làm từ thiện, hình thức, không đem lại hiệu quả. Làm TGPL khó hơn cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người dân khác có trình độ và sống ở môi trường thuận lợi... Do đó, bên cạnh việc trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết vụ việc liên quan đến quyền lợi của người dân đã được Luật quy định theo hướng công khai, minh bạch, dễ hiểu, đơn giản hóa tới mức tối đa, linh hoạt, tránh phiền hà; địa điểm tiếp dân thuận lợi, dễ tiếp cận, Luật còn đặt ra một yêu cầu rất cao là TGPL phải có chất lượng, sai phải bồi thường.
Việc bảo đảm chất lượng vụ việc được Luật TGPL quy định gắn với nhiều nguyên tắc quan trọng xuyên suốt quá trình thực hiện TGPL như người thực hiện TGPL phải “tôn trọng sự thật khách quan”; áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Đặc biệt, phải tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung TGPL, trong đó, đáng chú ý là nếu TGPL sai gây thiệt hại cho đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ TGPL chưa được xã hội đánh giá cao, chưa ngang bằng với dịch vụ pháp lý có thu phí do luật sư cung cấp. Chất lượng một số vụ việc tham gia tố tụng còn yếu, chưa có nhiều vụ việc TGPL được thực hiện từ giai đoạn điều tra hình sự, vụ việc TGPL tố tụng dân sự, tố tụng hành chính còn khá hạn chế. Cơ chế quản lý chất lượng, việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL chưa được chú trọng, mang tính hình thức nên hiệu quả chưa cao.
Trợ giúp viên pháp lý phải qua tập sự hành nghề
Để nâng cao chất lượng TGPL, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm, Dự thảo Luật sửa đổi đã kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành và bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia TGPL nhằm chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ TGPL, không thu hút những người không đủ tiêu chuẩn thực hiện TGPL. Có thế mới bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước dành cho hoạt động mang đầy tính nhân văn này, tiến tới xây dựng “thương hiệu” TGPL là địa chỉ tin cậy cho người được TGPL.
Cụ thể, về trợ giúp viên pháp lý, so với Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL năm 2006, Dự thảo Luật đã bổ sung 01 điểm mới để trở thành trợ giúp viên pháp lý là yêu cầu phải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết. Về tổ chức và người tham gia TGPL, Dự thảo Luật đã chọn lọc, kế thừa yếu tố hợp lý từ quy định hiện hành, đồng thời đưa ra những điều kiện cần thiết để lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL; duy trì cơ chế đăng ký tham gia thực hiện TGPL nhằm huy động được các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện TGPL. Nhà nước kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng do các chủ thể này thực hiện. So với Luật TGPL hiện hành, bên cạnh cơ chế huy động bằng đăng ký tham gia TGPL, Dự thảo Luật đã bổ sung cơ chế ký hợp đồng để lựa chọn các tổ chức và người tham gia TGPL có khả năng cung cấp dịch vụ TGPL chất lượng.
Với định hướng tập trung vào vụ việc TGPL, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng và nâng cao chất lượng dịch vụ, Dự thảo Luật không quy định chế định cộng tác viên TGPL. Bởi lẽ, theo quy định Luật TGPL năm 2006 thì yêu cầu về trình độ cộng tác viên TGPL không đồng đều, cả những người không có trình độ đại học luật như già làng, trưởng bản... cũng được TGPL, khiến chất lượng của dịch vụ không cao. Đội ngũ này tuy đông nhưng tỷ lệ tham gia thực hiện TGPL trên thực tế còn hạn chế, nhiều người đã được cấp thẻ cộng tác viên, được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng TGPL nhưng không thực hiện TGPL.
Sau 09 năm thi hành Luật TGPL năm 2006 (từ năm 2007 - 2015), phần lớn các vụ việc tư vấn do cộng tác viên khác thực hiện là giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản, được thực hiện chủ yếu thông qua TGPL lưu động. Hơn nữa, thực tế đa số cộng tác viên khác chỉ ghi danh mà không thực hiện TGPL. Qua khảo sát thực tiễn, lãnh đạo Trung tâm TGPL Hải Phòng và Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Bình cho biết 100% cộng tác viên khác ở Hải Phòng, 93% cộng viên khác ở Quảng Bình không thực hiện TGPL.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành không cấm những người có kiến thức pháp luật và tự nguyện giúp người khác tìm hiểu, giải đáp pháp luật theo quy định của pháp luật có liên quan, nhưng đây không phải là TGPL theo quy định của Luật TGPL. Hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ miễn phí này vẫn đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật. Như vậy, dù sử dụng nguồn lực của Nhà nước thông qua việc ký hợp đồng hay sử dụng nguồn lực của chính mình thông qua việc đăng ký tham gia, tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện TGPL đều phải bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL cho người được TGPL thông qua các quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ liên quan.