Mong được làm nghề theo đúng nghĩa

(PLVN) - Điều tưởng như giản dị, đó là được làm công việc chuyên môn đang trở thành “mong ước ngậm ngùi” của giáo viên. Áp lực những công việc ngoài chuyên môn dạy học ngày càng đè nặng lên vai giáo viên và bộc lộ những việc đáng buồn.
Vào đầu mỗi năm học, câu chuyện tiền trường, ranh giới mong manh với lạm thu luôn ồn ào dư luận. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Khi thầy cô bị áp chỉ tiêu 100%

Với truyền thống tôn sư trọng đạo, còn gì rầu lòng hơn khi nghe những lời này từ thầy hiệu trưởng trên truyền thông: “Sau sự việc bị phụ huynh vác dao đến trường xưng tao mày, đòi chém giáo viên, bắt tôi phải quỳ xin lỗi, tôi cảm thấy rất xấu hổ và nhục nhã”... Mặc dù thầy Hiệu trưởng đã vì nóng lòng phải hoàn thành nhiệm vụ mà có hành xử thiếu tế nhị với học trò, nhưng sự việc phụ huynh quá khích như trên đã làm nên một vết thương lòng khó phai mờ trong cuộc đời người thầy.

Thầy hiệu trưởng trần tình, nhà trường bị áp lực khi thu bảo hiểm chưa đủ chỉ tiêu. Nếu không đạt, trước hết Phòng Giáo dục và Đào tạo phê bình bằng miệng do không hoàn thành nhiệm vụ, sau đó UBND huyện sẽ có nhắc nhở”, theo thầy.

Trên thực tế, có quy định pháp luật nào để ngành Giáo dục và chính quyền địa phương bắt buộc các nhà trường phải làm thay việc của cơ quan bảo hiểm xã hội? Thế nhưng, những chuyện nhà giáo, nhà trường bị ép buộc phải thực hiện đủ loại chỉ tiêu ngoài chuyên môn như vậy đã kéo dài từ nhiều năm. Không chỉ trái chuyên môn, phần lớn các chỉ tiêu này đều buộc thực hiện ở mức gần tuyệt đối hoặc tuyệt đối 100%, đây là nguyên nhân hàng đầu gây áp lực cho nhà giáo hiện nay.

Tại một số địa phương, ngành Giáo dục còn đưa ra những chỉ tiêu không mấy liên quan đến chuyên môn nhưng lại tính như chỉ tiêu chuyên môn. Chẳng hạn như chỉ tiêu đóng góp quỹ hội; chỉ tiêu học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa; chỉ tiêu học sinh tham gia kế hoạch nhỏ; chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi do ngành, trường tổ chức; chỉ tiêu học sinh tham gia Tết trồng cây…

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, tình trạng chạy theo chỉ tiêu trên giao, ép vào tiêu chí thi đua, đã gây áp lực với thầy cô giáo, nhà trường, làm “méo mó” hình ảnh giáo dục, gây bức xúc xã hội. Các chỉ tiêu công việc kiểu “trên trời rớt xuống” như vậy đã làm khó giáo viên và dẫn tới sự không trung thực trong giáo dục vì phải báo cáo thành tích ảo.

Do đó, muốn người giáo viên tập trung được vào chuyên môn, phải bỏ hẳn quy định xem chỉ tiêu là tiêu chí bình xét hoàn thành nhiệm vụ thi đua cuối năm. Hành động một cách thực chất bằng cách loại bỏ những chỉ tiêu không liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của nhà giáo ra khỏi hoạt động của nhà trường và của cả ngành Giáo dục.

Hãy trả người thầy về đúng thiên chức dạy học

Từ thực tế trên có thể thấy đã đến lúc trả người giáo viên về đúng nhiệm vụ và thiên chức của họ là dạy học và chỉ dạy họ mà thôi.

Một thực tế nữa là khoản chi thường xuyên ít trong khi phải tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, sửa chữa trang thiết bị… khiến các trường buộc tìm đến nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Nhưng không ít nhà trường e ngại khi thực hiện đẩy mạnh hoạt động này bởi có thể gặp phải những rủi ro, trong đó có việc lạm thu.

Thực tế, việc huy động từ phía phụ huynh nếu làm không tốt dễ dẫn đến rủi ro bởi nhận thức của một số phụ huynh khác nhau về vận động xã hội hóa. Nhiều người đề nghị ủng hộ cào bằng thì không đúng với chủ trương huy động xã hội hóa.

Cô Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố ( Lê Chân, Hải Phòng) chia sẻ: Nếu không có nguồn thu khác mà chỉ sử dụng kinh phí từ ngân sách để triển khai các hoạt động thì rất khó khăn. Do đó, nếu nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa sẽ huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội, cha mẹ học sinh hợp tác, hỗ trợ và có thể huy động thêm nguồn kinh phí để hoạt động giáo dục được tổ chức thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu tổ chức hoạt động nào cũng phải huy động xã hội hoá về nguồn kinh phí có thể dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực như “nhà trường vẽ ra” để thu từ phụ huynh. Đó là ranh giới mong manh giữa xã hội hóa và lạm thu.

Theo cô Thắm, dù chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục là đúng và rất cần thiết hiện nay, tuy nhiên vẫn còn có những yêu cầu về quy trình, thủ tục… khiến các nhà trường e ngại khi thực hiện. Như vậy sẽ không thu hút được nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Hơn nữa, vừa qua, một số giáo viên đã bị truy tố về vấn đề thu - chi, thật sự là nỗi buồn, sự chạnh lòng không nhỏ với những người thầy tâm huyết.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), hiện ngân sách các trường phần lớn dùng để chi trả lương cho thầy cô. Vì vậy, cơ sở giáo dục rất vất vả trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục. Cũng chính vì lý do này, các trường phải vận dụng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh để có kinh phí tổ chức hoạt động cho trò. Song thực tế, chỉ cần một vài phụ huynh không đồng quan điểm đóng góp quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, việc này đã phải dừng lại.

Cũng theo thầy Phú, thực tế, ngân sách rót xuống không đủ để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh, vì vậy sự hỗ trợ từ phía phụ huynh rất quan trọng. Mỗi người đóng góp một chút cùng chung tay, phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động. Nhìn chung, nhà trường đều sử dụng quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh đúng mục đích, vì vậy phụ huynh ủng hộ.

Mặc dù Trường THPT Nguyễn Du là trường chất lượng cao, tiên tiến hội nhập quốc tế nên thuận lợi hơn các trường khác khi có nguồn kinh phí tổ chức nhiều hoạt động cho các em. Cụ thể với mô hình này, học phí học sinh đóng góp lên tới 1,5 triệu đồng/tháng, nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục như: Dạy tiếng Anh với người nước ngoài, dạy các kỹ năng, môn nghệ thuật cho học sinh. Tuy nhiên, kinh phí này chỉ đủ để hỗ trợ hoạt động trên. Còn nhiều sự kiện khác, nhà trường phải trích nguồn từ ngân sách được cấp để tổ chức, nhưng phải rất tiết kiệm.

“Nếu hỏi giáo viên mong muốn điều gì nhất, câu trả lời được chọn đầu tiên không phải là tăng lương mà là hãy để chúng tôi làm đúng, làm tốt công việc chuyên môn được đào tạo”, không ít thầy cô bày tỏ.

Cùng với đó, một giáo viên của Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hà Tĩnh) - tâm điểm chú ý những ngày qua sau vụ việc phụ huynh vác dao xông vào trường ép hiệu trưởng quỳ xin lỗi chia sẻ: “Bản thân tôi là giáo viên cảm thấy rất chạnh lòng. Dẫu rất đồng cảm với nhà trường, nhưng câu chuyện trên đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình hình lạm dụng sức lao động của giáo viên. Hằng năm, nhà trường phải thu rất nhiều khoản phí khác nhau như bảo hiểm y tế bắt buộc, tiền bán sách vở, đồng phục... Khối lượng công việc lớn nhưng nhân sự lại có hạn. Do đó, mỗi giáo viên chủ nhiệm đành đứng ra gánh gồng phần việc của nhân viên thu ngân cho các loại dịch vụ trong nhà trường. Đây là vấn nạn rất lớn của ngành Giáo dục, là nguyên nhân làm mất vị thế của người thầy”...

Vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm nhiều trường cũng chia sẻ áp lực khi đảm nhận trách nhiệm thu các khoản tiền theo quy định và thỏa thuận của phụ huynh, học sinh.

“Trên mạng xã hội, việc thu - chi đầu năm học đang được đưa ra bàn luận rất nhiều. Đặc biệt là những thông tin về “lạm thu” được chia sẻ rầm rộ dù chưa xác thực. Không ít cha mẹ học sinh khi đi họp phụ huynh không nêu ý kiến, không đặt câu hỏi để được giải đáp, nhưng về nhà lại đưa lên mạng xã hội phản ứng. Đúng - sai như thế nào chưa bàn đến, nhưng học sinh có thể đọc và nghe hết được những ý kiến đó. Các em chưa đủ hiểu biết để nhận thức đúng đắn, dễ suy nghĩ phiến diện theo số đông. Hình ảnh, vị thế người giáo viên trong mắt các em sẽ thế nào”, một nữ giáo viên chia sẻ.

Cô giáo cũng chia sẻ, mong muốn chung của giáo viên là được yên tâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đồng thời, để nhà giáo có thể hoàn thành tốt công việc, nhà trường, địa phương cũng cần đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Xã hội có sự phản biện mang tính xây dựng, đồng hành, tôn trọng. Tránh đẩy giáo viên đứng một mình trong nhiệm vụ giáo dục học sinh…

Đọc thêm