Mong không phải 'tuýt còi'

(PLO) - Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp có văn bản “tuýt còi” Thông tư 58 của Bộ GTVT với nội dung Điều 57 quy định về chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) vì cho rằng không có cơ sở pháp lý.
Người dân chen chân đổi giấy phép lái xe tại Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Thành/VNE)

Theo một lãnh đạo ngành Đường bộ Việt Nam, việc khuyến khích người dân chuyển đổi GPLX sang vật liệu mới để quản lý đồng bộ trên công nghệ mới, GPLX vật liệu PET được mã hóa nên có khả năng chống làm giả tuyệt đối, vì vậy đổi GPLX sang vật liệu PET là để chống việc làm giả GPLX bằng vật liệu giấy. Trong Thông tư không quy định việc xử phạt đối với người chưa đổi GPLX.

“Chúng tôi cũng đang sửa đổi Thông tư 58, trong đó bãi bỏ quy định phải thi lại lý thuyết đối với người có GPLX chưa chuyển đổi vật liệu, hiện chủ trương này đã được thống nhất và Thông tư 58 sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 12/2016” – lãnh đạo ngành Đường bộ Việt Nam phân bua.

Câu chuyện văn bản quy phạm pháp luật bị “tuýt còi” như Thông tư 58 của Bộ GTVT không còn là “chuyện nhỏ” mà đang thực sự là “thảm họa”. Theo đó, trong 10 năm qua, các bộ, ngành và địa phương đã xử lý hơn 60 ngàn văn bản, chiếm gần 98% tổng số văn bản có dấu hiệu vi phạm đã được phát hiện trái pháp luật (trong đó có 16 ngàn văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản đã được cơ quan ban hành văn bản xem xét, rút kinh nghiệm); hơn 1 ngàn  văn bản trái pháp luật được xử lý theo quy định. 

Gần đây, một số chính sách quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích của công dân như: Quy định về ghi họ và tên cha, họ và tên mẹ trong chứng minh nhân dân; xử phạt xe không chính chủ; quy định về số vòng hoa, không rắc vàng mã, không lắp ô cửa kính trên nắp quan tài... Hay như quy định “quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông làm việc phải xin phép”, gây tranh cãi của Cục Cảnh sát Giao thông được Cục Kiểm tra văn bản chỉ ra những sai trái, hơn một ngày đã được hủy bỏ. 

Tình trạng mỗi năm có tới hàng nghìn văn bản trái pháp luật thì lỗi là do đâu? Việc xử lý những lỗi, những vi phạm ấy như thế nào là điều dư luận quan tâm. Bởi ai cũng hiểu, thật nguy hại khi áp dụng những “cái sai” để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Rõ ràng đã đến lúc phải đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý. Hơn ai hết, người làm công tác tư pháp phải tham mưu cho địa phương, bộ, ngành thực hiện đúng pháp luật. Luật ban hành đúng, phải thực hiện đúng luật, sai luật thì nhất định phải thổi còi, thậm chí phải xử lý người tham mưu văn bản sai một cách nghiêm túc. Có thế may ra mới đỡ phải “tuýt còi”?.

Đọc thêm