Ông Cao Minh Hoàng Tùng - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kon Tum (SN 1964, quê gốc ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo ngành địa chất. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT ông Tùng cũng theo học và công tác trong ngành địa chất như hầu hết các anh chị trong nhà.
Năm 1997, khi cơ quan chuyển trụ sở xuống TP Nha Trang, vì không muốn xa gia đình nên ông đã xin nghỉ việc để ở lại Tây Nguyên. Sau đó, ông thi tuyển vào làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai và được phân công về Phòng THADS.
Theo ông Hoàng Tùng, cái duyên với ngành thi hành án của mình bắt đầu “bén” từ đây. Mặc dù thời gian đầu còn rất bỡ ngỡ với công tác THADS nhưng do trước đó khi còn công tác trong ngành địa chất ông đã được cơ quan cử đi học lớp Đại học Luật nên với sự nhanh trí, ham học hỏi ông Tùng làm quen rất nhanh với công việc mới.
Vì vậy, từ năm 1997 đến năm 2009 kinh qua nhiều chức vụ từ chấp hành viên đến Phó Cục trưởng tại nhiều địa bàn khác nhau nhưng ông Tùng đều hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Đầu năm 2013, ông Cao Minh Hoàng Tùng chính thức được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kon Tum.
Ông Tùng tâm sự, càng gắn bó với ngành THADS ông càng thấy yêu nghề và khao khát gắn bó với nghề. Và đến bây giờ, sau hơn 20 năm công tác trong ngành THADS thì ông cảm nhận cái nghề đó đã ngấm sâu vào máu của mình. Sở dĩ nói vậy vì mỗi lần giải quyết xong xuôi một vụ án lớn là ông cảm thấy đã làm xong một việc có ích. Còn khi gặp những vụ việc khó khăn, kéo dài, ông trăn trở, dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ để tìm biện pháp tháo gỡ.
Vốn là một người yêu nghề, có trách nhiệm với nghề nên dù ở bất cứ cương vị nào, ông Tùng vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hầu như năm nào ông Tùng cũng đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhận được Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2009 ông vinh dự nhận được danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn ngành.
Theo chia sẻ của ông Cao Minh Hoàng Tùng, công việc của THADS phải va chạm thực tế và động chạm đến quyền lợi của các bên liên quan nên “nhiều người bị THA nhìn mình như những kẻ đòi nợ thuê khiến tôi và đồng nghiệp cảm thấy rất buồn”.
Không chỉ bản thân những người trực tiếp làm ngành THADS bị một bộ phận người dân nhìn nhận với ánh mắt lệch lạc mà những người thân trong gia đình họ cũng vô tình bị liên lụy. Bản thân gia đình ông Tùng cũng không ngoại lệ khi trong các vụ đại án thường có “xã hội đen” đứng đằng sau nên chúng rất manh động kéo đến tận nhà để đe dọa. Trong quá trình tác nghiệp, nhiều khi ông cũng bị đe dọa, hành hung.
Theo ông Tùng, công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả, hiểm nguy; nhưng lòng yêu nghề và mong muốn người dân và xã hội ngày càng nhìn nhận đúng về công tác THADS, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về THA khiến ông cũng như các đồng nghiệp ngày càng gắn bó hơn với công việc này.
Ông Tùng cũng tâm niệm, để thi hành những vụ án lớn, phức tạp thì cần phải có kế hoạch thật chu đáo, toàn diện, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban ngành, bản thân cán bộ chấp hành viên phải thật nhuần nhuyễn, tránh bỡ ngỡ, sai lệch trong quá trình làm việc.
Muốn làm tốt công tác THADS thì cần phải tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân để người dân hiểu và chủ động làm theo. Có như vậy thì xã hội mới có cái nhìn nhận đúng đắn và tích cực hơn về ngành THADS. Ngoài ra, ông Tùng cũng mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương để nâng tầm hình ảnh của cán bộ THADS cho người dân hiểu và coi trọng cái nghề của mình hơn…