Động lực cho các nhà làm phim
Với các bộ phim lịch sử sẽ chuyển tải rất nhiều thông điệp không chỉ là thông điệp nghệ thuật mà là thông điệp về lịch sử, văn hóa, chính trị... để thêm yêu dân tộc. Tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: phim Chị Tư Hậu (từ truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái); phim Con chim vành khuyên (từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca); phim Mẹ vắng nhà (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); phim Bến không chồng (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); phim Trăng nơi đáy giếng (từ tác phẩm văn học của Trần Thùy Mai), Mê Thảo - thời vang bóng (từ truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), hay Đừng đốt (dựa trên cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm)… Những tác phẩm trên là ví dụ về việc chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công, thể hiện sự sáng tạo trong việc chuyển từ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh.
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như: Sao tháng 8; Hà Nội mùa đông năm 46; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như Long Thành cầm giả ca, Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Đào phở và piano…
Bộ phim “Đào, phở và piano” thu hút nhiều khán giả. (Cảnh trong phim) |
Tại Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dòng phim về lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học rất đáng trân trọng. Nhưng việc chuyển thể hoặc làm phim về lịch sử gặp nhiều thách thức, từ chính các nhà làm phim, tác giả, khán giả, nhà sản xuất, nhà quản lý… Việt Nam vừa ít phim về đề tài lịch sử, lại càng ít thành công, dù có nhiều nhà làm phim tài năng. Với không ít nhà sản xuất, đầu tư làm phim về mảng đề tài này bị coi như là đầu tư mạo hiểm.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng bày tỏ lo ngại khi khán giả trẻ đang quay sang xem phim lịch sử của nước ngoài, với những tác phẩm chỉn chu, đầu tư công phu. Theo ông, đây là thách thức nhưng cũng là động lực để các nhà làm phim Việt Nam đẩy mạnh dòng phim này, mang đến những trải nghiệm chân thực và phong phú về lịch sử Việt.
Tâm lý lo sợ hãm sự sáng tạo
Là tác giả của nhiều truyện ngắn được chuyển thể thành phim, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, phim chuyển thể các tác phẩm văn học và khai thác đề tài lịch sử hiện còn gặp nhiều thách thức. Theo ông, lâu nay các nhà làm phim Việt có tâm lý tôn trọng quá, “ý tứ quá mức” với tác giả tác phẩm văn học, vấn đề lịch sử nên đã kìm hãm sự phát triển, sự sáng tạo, hạn chế trong nghệ thuật, tư duy. Vì thế, thay vì bứt phá để tạo ra những góc nhìn mới mẻ và có chiều sâu, họ lại lo ngại về việc phản ánh chưa đúng lịch sử hoặc không đúng tinh thần nguyên tác.
Cùng chung ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Tôi biết nhiều người đang ấp ủ triển khai dự án phim lịch sử vô cùng hấp dẫn. Nhưng sự thật có nỗi sợ, hoang mang, bối rối, lúng túng khi tiếp xúc, khai thác chủ đề này. Điều này bó tay, bó chân nhà làm phim. Nếu một bộ phim điện ảnh hoàn toàn lịch sử, sẽ rất khô khan, không có cảm xúc, không thể hấp dẫn khán giả”.
Các nhà làm phim Việt Nam dường như lại lo sợ sự chỉ trích từ dư luận nếu tác phẩm của họ có chút hư cấu, dẫn đến việc tự bó buộc. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã nhắc lại câu chuyện tranh cãi quanh phim sản xuất, phát hành “Đất rừng phương Nam” và cho biết, thời điểm đó, cơ quan quản lý và người làm điện ảnh chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. Lãnh đạo Cục Điện ảnh đã phải 3 lần lên báo cáo trực tiếp với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Phim không đề cao một hội nhóm nào, mà chỉ ca ngợi lòng yêu nước chống ngoại xâm của người dân Nam Bộ khi đó - bao gồm người Việt, người Hoa và người Khmer. Trước những tranh cãi về phim, Cục Điện ảnh đã khẳng định phim không vi phạm các điều cấm trong Luật Điện ảnh, đoàn phim và hội đồng thẩm định đều không có lỗi.
PGS.TS Hoài Sơn nhấn mạnh: Luật Điện ảnh có một số quy định nhằm bảo vệ sự thật lịch sử trong phim ảnh. Những điều cấm này nhằm tránh việc bóp méo hay xuyên tạc sự thật lịch sử, có thể gây hiểu nhầm và tác động tiêu cực đến nhận thức của khán giả về các sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng. Đây là những ranh giới cần thiết để bảo đảm các tác phẩm không đi lệch khỏi mục tiêu giáo dục và tôn vinh lịch sử. Nhưng nghệ thuật vẫn có chỗ cho sự sáng tạo trong các “khoảng trống” để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và có sức sống hơn.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú gợi mở, các nhà làm phim cần sự hỗ trợ tích cực từ các nhà văn hoá, nhà sử học… nhưng cũng cần cẩn trọng, vì nếu không khéo thì sẽ giống như người đẽo cày giữa đường, sản phẩm cuối cùng không bảo đảm chất lượng nghệ thuật.
Đạo diễn Charlie Nguyễn góp ý kiến, để làm nên bộ phim lịch sử đúng đắn, hấp dẫn khán giả cần bảo đảm hai sự thật. Đó là sự thật thực tế và sự thật về tinh thần, cảm xúc, tâm lý, hành trình nội tâm, xung đột tâm lý của nhân vật - những điều này không có trong lịch sử. Làm phim lịch sử, chúng ta phải tôn trọng sự thật lịch sử để làm phim trong tâm thế không bất an, sợ sai.
Bộ phim “Đừng đốt” được chuyển thể từ cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được tôn vinh khi đạt 6 giải thưởng Cánh diều vàng năm 2010. (Cảnh trong phim) |
Theo các chuyên gia điện ảnh, để có tác phẩm về đề tài lịch sử hay, các nhà làm phim phải tôn trọng tác phẩm văn học gốc, nhưng đồng thời phải không ngừng sáng tạo bằng ngôn ngữ của điện ảnh, tin vào con đường sáng tạo đó và các nhà quản lý phải có cách nhìn nhận khác biệt để mang lại sự hấp dẫn mới với khán giả.
Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan chia sẻ khó khăn, để thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học. Hơn nữa, phim về lịch sử không thu hút như dòng phim thương mại, vì vậy rất khó thuyết phục được nhà đầu tư và cũng khó thuyết phục được khán giả đến xem để thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem lại việc ưu đãi thuế VAT cho các nhà làm phim lịch sử, cần thiết phải có hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước để thúc đẩy phát triển dòng phim lịch sử. Nếu không có nguồn vốn hỗ trợ, các nhà làm phim phải vay ngân hàng theo lãi suất để làm phim rất nhiều rủi ro, các nhà làm phim rất e ngại.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần có sự đầu tư hơn nữa từ các nhà làm phim, nhà sản xuất, nhà quản lý và sự ủng hộ của khán giả để nâng tầm, phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học. “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho phim lịch sử bằng việc đặt hàng để có các tác phẩm xứng tầm thời đại”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, Luật Điện ảnh năm 2022 với nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Đồng thời khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim để sản xuất ra những bộ phim Việt Nam mang tính nhân văn, sáng tạo, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng nhân cách con người văn minh, hiện đại, làm chủ đất nước; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao của Nhân dân; góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, bảo đảm bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành Điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.