Một bản án, vài chục năm thi hành

 Từ khi được bổ nhiệm chấp hành viên cho đến khi nghỉ hưu, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự (THADS) nọ mới thi hành xong một quyết định thỏa thuận giữa các đương sự. Tương tự, lần lượt đến... 3 đời chấp hành viên, một bản án cấp dưỡng nuôi con mới hoàn tất. Đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều cơ quan THA.

Từ khi được bổ nhiệm chấp hành viên cho đến khi nghỉ hưu, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự (THADS) nọ mới thi hành xong một quyết định thỏa thuận giữa các đương sự. Tương tự, lần lượt đến... 3 đời chấp hành viên, một bản án cấp dưỡng nuôi con mới hoàn tất. Đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều cơ quan THA.
Một buổi cưỡng chế thi hành án (tranh chấp nhà ở)
Một buổi cưỡng chế thi hành án (tranh chấp nhà ở)

15 năm thi hành một quyết định của Tòa án

Nguyên tắc của pháp luật về dân sự cũng như trong xét xử án dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự. Chính vì lẽ đó, mới bắt buộc có thủ tục hòa giải trước khi xử án, và thẩm phán cũng khuyến khích đương sự thỏa thuận với nhau cho đỡ phải theo đuổi quy trình tố tụng. Cũng vì vậy, nhiều vụ THA mệt nhoài.

Năm 1999, bà T.M.N vay của ông H.C.Q hơn 500 triệu đồng để lập công ty kinh doanh nhà đất. Việc vay nợ có giấy tờ viết tay, lời lãi bà N trả cho ông Q theo định kỳ. Tuy nhiên hơn 1 năm sau, việc làm ăn của bà N bị đổ bể, công ty đóng cửa. Cùng đó, hàng loạt chủ nợ xếp hàng ở nhà bà N. để đòi nợ. Hai căn nhà mặt phố của gia đình bà N cùng nhiều tài sản có giá trị khác phải bán đi để trả nợ, tuy nhiên vẫn chưa đến lượt ông Q. Hẹn tới, hẹn lui, cùng bất đắc dĩ ông Q phải kiện bà N. ra tòa.

Tại Tòa, sau khi nghe thẩm phán giải thích, ông Q đã “xuôi lòng” cho bà N trả ông số tiền trên trong 15 năm. Theo đó, Tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa hai bên đương sự. Số tiền bà N nợ ông Q được chia ra trả theo từng tháng.

Xét cho cùng đây là cách trả nợ... khả thi nhất bởi bà N hiện không có một tài sản gì đáng giá, bản thân bà phải đi làm thuê cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Bà sẽ dùng một phần lương này để trả nợ dần cho ông Q. Nếu thi hành cùng một lúc bà N hoàn toàn không có khả năng trả nợ vì không còn tài sản gì.

Và, để thi hành bản án nói trên, cơ quan THADS đã mất tròn 15 năm.

Tương tự là một bản án ly hôn ở quận B, Hà Nội. Anh chị N.M.H và D.T.T đưa nhau ra tòa ly hôn khi bé M của họ mới tròn 3 tuổi. Ngoài việc chấp thuận cho họ thuận tình ly hôn, tòa còn tuyên hàng tháng anh H phải cấp dưỡng cho cháu bé 1,2 triệu đồng cho đến khi cháu 18 tuổi.

Án có hiệu lực, cơ quan THA ra quyết định thi hành. Tuy nhiên, khi xác minh điều kiện THA của anh H thì thấy anh này làm nghề xe ôm, thu nhập như đi câu, được chăng hay chớ. Thêm vào đó anh H hay ốm đau, bệnh tật. Do đó, để cấp dưỡng cho cháu M. Anh H chỉ còn cách duy nhất là nộp tiền hàng tháng mà không phải hàng quý hay năm.

“Góp công” tăng án tồn đọng

“Nghiệp” làm chấp hành viên, không có ai “tránh” được những bản án, quyết định kéo dài “lê thê” như trên. Đó là tâm sự của một chấp hành viên kỳ cựu của THADS Hà Nội. Thậm chí, chấp hành viên này còn cho biết, có những người “theo” vụ án từ khi mới được bổ nhiệm tới khi có quyết định nghỉ hưu cũng chưa xong. Có nhiều vụ khác phải “qua tay” đến mấy chấp hành viên mới thi hành xong. Những vụ việc xem ra đơn giản, giá trị không lớn nhưng lại kéo rất dài về thời gian.

Vấn đề này, báo cáo của Cục THADS Bạc Liêu cũng thừa nhận: các loại án thi hành đều, thi hành nhiều kỳ trong năm hoặc nhiều năm mới kết thúc một việc, thậm chí kéo dài 18 năm theo quy định pháp luật (án cấp dưỡng). Đa số các trường hợp nợ vay ngân hàng, tín dụng, bể hụi - chuyển hoá thành nợ vay, bồi thường dân sự với mức vượt quá khả năng thực tế của đương sự tại thời điểm thi hành... các bên thỏa thuận thi hành theo định kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến án tồn.

Đặc biệt gần đây, rất nhiều trường hợp thỏa thuận kéo dài trên 20 năm mới kết thúc một việc. “Những trường hợp này, vừa kéo dài thời gian, vừa tốn nhiều công sức các cơ quan THA”, Cục THA này nhận định.

Ngược lại, có những vụ việc, dù chỉ là vài trăm ngàn đến vài triệu  đồng tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng nhưng đương sự cũng không thể thi hành vì chỉ có một tài sản duy nhất. Tại Chi cục THADS TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trong 74 việc có điều kiện thi  hành còn tồn chưa giải quyết dứt điểm phần lớn là các vụ, việc người phải thi  hành án chỉ có tài sản duy nhất là nhà đất, rất khó khăn trong việc cưỡng chế kê biên vì khi xử lý tài sản để thi hành án thì gia đình người phải thi hành án không có nhà để ở và án cấp dưỡng nuôi con trong tình trạng tương tự 

Hà Ninh

Đọc thêm