Một Hà Nội đáng sống

(PLVN) - Năm 2019 là một năm đặc biệt với Hà Nội vì đây là năm đánh dấu mốc 20 năm thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Tại lễ kỷ niệm ngày thành phố đón nhận danh hiệu được tổ chức vào tháng 7/2019, là người trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội vào 20 năm trước, ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ niềm vui được trở lại Hà Nội…
Sự kiện kỷ niệm 20 năm Hà Nội “Thành phố vì hòa bình”
Sự kiện kỷ niệm 20 năm Hà Nội “Thành phố vì hòa bình”

Tự hào “Thành phố vì hoà bình”

Ngày 16/7/1999, tại thành phố La Paz - Thủ đô nước Cộng hòa Bolivia, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. 20 năm trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. 

Có thể nói, 20 năm qua, danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã tạo thành động lực để Hà Nội phát triển, Hà Nội đã đạt được rất nhiều thành tựu dựa trên các tiêu chí: sự bình đẳng trong cộng đồng; xây dựng đô thị; giữ gìn môi trường sống; thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục và chăm lo giáo dục công dân, thế hệ trẻ…

Thủ đô hôm nay to đẹp hơn, khang trang hơn, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc màu văn hóa; các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng…

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” vì dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, hoà bình không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và điều kiện căn bản để phát triển bền vững.

Và với những thành tựu trong 20 năm qua, Hà Nội đang trình UNESCO xem xét hồ sơ ứng cử để tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới.

Là người trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội vào 20 năm trước, ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ niềm vui được trở lại Hà Nội khi thành phố kỷ niệm 20 năm ngày đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

“UNESCO hiểu rằng dù Hà Nội tự hào về quá khứ của mình, nhưng vẫn hướng đến tương lai. Chúng tôi tin rằng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo” - ông Firmin Edouard Matoko nhấn mạnh. 

Bức ảnh “Xưa vậy, giờ vẫn vậy” của tác giả Đinh Quốc Cường trong triển lãm Vì một Hà Nội đáng sống
Bức ảnh “Xưa vậy, giờ vẫn vậy” của tác giả Đinh Quốc Cường trong triển lãm Vì một Hà Nội đáng sống

Một Hà Nội đáng sống 

Mới đây, trong 3 ngày từ ngày 6 - 8/9, tại Nhà bát giác (phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm ảnh “Vì một Hà Nội đáng sống”, giới thiệu hơn 40 tác phẩm ảnh nhằm khắc họa những cảm xúc, không gian, cuộc sống làm nên một Hà Nội đáng sống. 

Những bức ảnh tại triển lãm đã tái hiện không gian kiến trúc, văn hóa, tự nhiên (mặt hồ, công viên, vườn hoa, bãi sông) không chỉ là những vật thể vô tri mà được gắn với ký ức và cuộc sống của người Hà Nội. Kết nối của người Hà Nội với các không gian công cộng này có thể là kỷ niệm với gia đình, tình yêu đôi lứa, bạn bè đồng cấp hoặc các cảm xúc tập thể trong các sự kiện tập thể ở Hà Nội.

Tiếp theo đó là cuộc sống hàng ngày ở Hà Nội trên vỉa hè, trong ngõ, ở chợ, trên phố... Cuộc sống được gắn với quán nước, cửa hàng hiện đại hoặc truyền thống với gánh hàng rong, xe hoa di động, người phu khuân vác, để qua đó sự kết nối giữa con người với con người dựa trên sự thấu hiểu, bình đẳng và khoan dung. 

Tham quan tại triển lãm, bà Phạm Thị Huyền, một người dân sống ở phố Bạch Mai chia sẻ: “Là một người sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi chiêm ngưỡng những bức ảnh. Có thể nói đây là những khoảnh khắc rất đặc biệt của Hà Nội. Một Hà Nội đáng sống trong tim mỗi người dân Thủ đô. Trong số những bức ảnh này, bức ảnh nào cũng có một câu chuyện, nhưng có lẽ đối với tôi, bức ảnh ấn tượng nhất là bức ảnh “Xưa vậy, giờ vẫn vậy” của tác giả Đinh Quốc Cường”. 

Còn nhớ trước đó tháng 7/2018, người dân Thủ đô rưng rưng tự hào khi tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển lãm ảnh với chủ đề “Hà Nội đổi mới và phát triển”. Gần 200 bức ảnh, các số liệu ấn tượng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảng vàng thành tích, huân chương, huy chương cao quý mà thành phố đã vinh dự nhận được trong quá trình phát triển của Thủ đô, ngoài ra những thước phim về Hà Nội cũng là một điểm nhấn. 

Qua những tác phẩm ảnh, một Hà Nội hiện lên thật đẹp với những hình ảnh hiện đại hóa, đô thị hóa là những cảnh làng quê êm đềm, yên ả, miêu tả cuộc sống thường nhật của các vùng ngoại ô Hà Nội, những dấu tích lịch sử hào hùng, những lễ hội tưng bừng, náo nhiệt; thật nền nã với hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, duyên dáng, cởi mở, đáng mến… 

Chị Trương Thị Liên, xã Thắng Lợi - Thường Tín vốn là đất làng nghề thêu nổi tiếng Hà Nội đến xem triển lãm và phấn khởi cho biết, từ khi Hà Nội mở rộng, hoạt động của làng nghề thêu Thắng Lợi vẫn diễn ra bình thường, nhưng tranh thêu có thị trường rộng lớn hơn, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều hơn. Đó là một trải nghiệm thú vị, theo chị Liên….

 

Tiến về tương lai

Hà Nội đang vào thu là mùa đẹp nhất trong năm. Với những ai yêu mến mảnh đất nghìn năm văn hiến đều không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự đổi thay tích cực của Hà Nội. Những con số như tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, về đích trước hai năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, có thể chưa thể nói hết những thành tựu và những nỗ lực không mệt mỏi của thành phố.

Thế nhưng, nếu có dịp về các huyện nghèo nhất như Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Ðức... dễ dàng nhận thấy những đổi thay đáng phấn khởi. Những con đường thảm nhựa, bê-tông nối gần những bản làng xa xôi. Những ngôi làng dân tộc thiểu số vốn “nghèo bền vững” nay đã có những ngôi nhà mới khang trang.

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Với 89% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng cách đời sống giữa khu vực nông thôn và đô thị dần được thu hẹp. Thành phố đã đạt mục tiêu cơ bản tất cả số xã, phường, thị trấn được công nhân đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số trạm y tế có bác sĩ.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.050 USD/năm. Sáu tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,416 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thu 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán.

Chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội giữ vững vị trí thứ hai trong tổng số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền tăng 16 bậc.

Hà Nội đã thực sự là một trung tâm kinh tế trọng điểm, cũng là nơi khởi nghiệp, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới. Năm 2018, thành phố thu hút đầu tư 7,5 tỷ USD, trong đó, cấp mới 640 dự án với số vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng và đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 - 2018 của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đứng thứ hai cả nước (sau Vùng kinh tế trọng điểm phía nam).

Ngoài ra, Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn vị trí thứ tám trong danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Lượng khách du lịch quốc tế tăng cao trong hai năm qua và chín tháng đầu năm nay, 3,54 triệu lượt khách quốc tế đã đến Hà Nội (tăng 23,5%). Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đề án tổng kiểm kê đánh giá, phân loại, bảo vệ di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Ðến nay, thành phố đã có năm di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nguồn “tài sản” văn hóa này được Hà Nội bảo vệ, phát huy giá trị và là nguồn lực quan trọng để phát triển.

Thành phố cũng xác định, khoa học và công nghệ là mũi nhọn, là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, để tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Hướng đầu tư này đã đưa Hà Nội lên vị trí thứ 2 trong số 63 tỉnh, thành phố về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

Đọc thêm