Một năm đồng hành với Quân đội có bao nhiêu chuyện để kể nhưng dấu ấn rõ nét nhất là những ngày cuối năm. Khi miền Bắc trải qua những đợt rét dài ngày, vùng biên giới, núi cao có sương giá, chúng tôi theo chân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên dự lễ chào cờ cấp Quốc gia tại cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, tham dự và đưa tin các hoạt động của chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phối hợp tổ chức.
Vượt qua những chặng đường ngoằn ngoèo, vắt vẻo giữa lưng chừng núi, lưng chừng trời của vùng núi cao Hà Giang, giữa màn sương mù dầy đặc, thời tiết lạnh buốt, mưa nặng hạt, chúng tôi lên Lũng Cú. Dù đường xá thuận tiện nhưng nhiều người dân các xã Ma Lé, Lũng Cú, huyện Đồng Văn cả đời cũng chưa lên huyện lỵ lần nào, nay được nhận quà của Chủ tịch Quốc hội, được ăn cơm cùng Chủ tịch Quốc hội thì “cái bụng vui lắm”. Bà con lên Đồn BP Lũng Cú từ sáng sớm và kể nhiều câu chuyện về đời sống, chuyện Tết. Trước khi lên Cột cờ Lũng Cú, chúng tôi đã đến Cột cờ Lũng Pô (Lào Cai) - dấu mốc nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Còn một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng những ngày qua, nhóm phóng viên Quốc phòng - An ninh chúng tôi đã nhiều lần đón Tết quân dân ở các vùng biên giới. Bà con các dân tộc thiểu số ăn Tết Nguyên đán từ nhiều năm nay. Kinh tế phát triển, để chuẩn bị cho Tết, các gia đình đều nuôi 1-2 con lợn thịt Tết. Trước Tết cả tháng, đồng bào dân tộc Mông đã bắt đầu giết lợn, ăn Tết. Thịt lợn sau khi mổ được tẩm ướp, treo lên gác bếp ăn dần. Các Đồn Biên phòng ngoài chuẩn bị các phần quà cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, còn tổ chức mời bà con lên Đồn ăn Tết, quân dân cùng gói bánh chưng. Khi bà con ăn Tết, BĐBP lại đến nhà ăn Tết cùng bà con.
Nơi chúng tôi ấn tượng nhất là vùng đất khát Tả Gia Khâu. Đại tá Nguyễn Văn Thái - Phó Chỉ huy trưởng BĐPB tỉnh Lào Cai cho biết, ở Đồn BP Tả Gia Khâu, nước quý như vàng nên trước đây thay vì tặng quà Tết thì các cơ quan, đoàn thể, cấp trên khi lên thăm Đồn BP Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương lại chở theo những can nước để tặng anh em. Nay ngoài mạch nước chảy từ trên núi, Đồn đang xây dựng thêm 3 bể chứa nước.
Mường Khương là một huyện vùng núi cao tỉnh Lào Cai. Độ cao bình quân của huyện so với mực nước biển là 950m. Đỉnh núi cao nhất trên địa bàn Mường Khương cao tới 1.609m. Hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương thuộc địa bàn Đồn BP Tả Gia Khâu quản lý ở độ cao trên 1.000m thiếu nước trầm trọng, đỉnh điểm là vào mùa khô. Vì vậy, Đồn BP Tả Gia Khâu được ví là “Trường Sa cạn” với 3 cái nhất: Xa huyện nhất, ít dân nhất huyện và thiếu nước nhất huyện. Ở đây chỉ có một nguồn nước duy nhất từ khe đá trên núi Phìn Chư, cách đơn vị hơn 5km. Ban ngày, bà con nhân dân lấy nước để sản xuất và sinh hoạt, chiều tối mới đến lượt bộ đội nên anh em phải phân công nhau đi lấy nước về dùng, đồng thời, cũng là giữ gìn nguồn nước chung cho dân.
Được Nhà nước đầu tư xây dựng bể lắng, có hệ thống đường ống dẫn nước kiên cố từ trên núi cao về nhưng do ý thức của người dân chưa cao, khi có nước, mọi người đổ xô đi lấy, nào can, nào thùng, nào chậu. Nhưng khi đường ống bị vỡ, bể nước bị tắc là... bỏ, quay lại cái cảnh mỗi nhà hai can nhựa đèo xe máy đi lấy nước từ Pha Long, Pạc Tà về ăn.
Đường dẫn nước từ trên núi về đồn Biên phòng phải đi qua nhiều chân ruộng của dân. Đến mùa cấy, nước đi qua khu ruộng nhà nào, nhà đó tự động phá đường ống ra gọi là “Bộ đội cho dân xin một tý”. Thậm chí, có người đi nương về qua bể đầu nguồn, tiện thể vào rửa chân tay rồi cởi luôn áo ra cho vào bể mà giặt “để mai còn đi chợ”.
Những lúc như vậy, anh em Biên phòng cứ bở hơi tai. Xét cho cùng cũng không thể trách bà con được. Nước thì bộ đội cũng cần mà dân cũng cần, ý thức của dân chưa cao trong đó có trách nhiệm của BĐBP. Vấn đề cần đặt ra là, bộ đội phải tuyên truyền cho dân hiểu, cùng nhau giữ gìn nguồn nước sinh hoạt chung.
“Giữ dân, giữ nước”, nhiệm vụ ấy đúng với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Tả Gia Khâu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nhưng để quần chúng nhân dân đồng hành tham gia cùng BĐBP giữ yên biên giới thì phải giúp họ ổn định đời sống ngay trên quê hương mình, trong đó bảo đảm nguồn nước sinh hoạt là vô cùng quan trọng. Vấn đề của Tả Gia Khâu không phải là tìm nguồn nước mà là làm thể nào để giữ nước ở lại với dân, với bộ đội…