Một năm Tư pháp "vì dân"

(PLO) - Có lẽ hiếm năm nào các hoạt động về công tác tư pháp lại được người dân quan tâm theo dõi như 2014, bởi rất nhiều vấn đề thiết thực gắn liền với đời sống dân sinh đã được đem ra thảo luận và quyết định. 
Bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới được đánh giá là “cuộc cách mạng” trong tư duy làm luật. Hình minh họa
Từ Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) sửa đổi liệu có cho phép kết hôn đồng giới và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến Luật Hộ tịch ra đời thì số phận của Giấy khai sinh, một loại giấy tờ rất có ý nghĩa với cuộc đời của mỗi con người sẽ ra sao…? 
Thay đổi lớn trong tư duy làm luật
Đã lâu rồi mới có một dự luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo có nhiều nội dung gây “sốc” dư luận như Luật HN&GĐ sửa đổi. Những vấn đề lớn được đưa ra thảo luận như tuổi kết hôn, việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình, giới tính trong kết hôn, việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ly thân… đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 
Cho phép hay không cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính? Một luồng quan điểm cho rằng quyền của người đồng tính phải được Nhà nước, xã hội và gia đình tôn trọng, do đó cần bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Luồng quan điểm khác mạnh mẽ không kém khẳng định quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, ảnh hưởng đến truyền thống về hôn nhân và gia đình. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ bị lạm dụng. 
Khi Luật HN&GĐ sửa đổi được thông qua, không ít người đồng tính bày tỏ thất vọng vì mong muốn của họ không được đáp ứng triệt để khi Quốc hội chỉ nhất trí bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính chứ chưa xếp họ “một góc chiếu giữa làng”. 
Cũng có người bày tỏ chưa đồng tình khi những vấn đề “nóng” như ly thân lại chưa được luật định. Nhưng rõ ràng, những vấn đề được đưa ra thảo luận trong quá trình soạn thảo Luật HN&GĐ sửa đổi cho thấy sự thay đổi rất lớn trong tư duy của các nhà làm luật, tiếp cận với tư duy làm luật hiện đại trên thế giới, đi thẳng vào những vấn đề “nóng” của xã hội, đồng thời đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà mẹ, trẻ em. 
Không phải ngược xuôi lấy giấy tờ
Xuất phát từ những tác động tích cực của mô hình đăng ký khai sinh “3 trong 1” tại một số địa phương, Bộ Tư pháp đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án: “Thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi”. 
Nếu như trước đây, sau khi đi đăng ký khai sinh cho con, người dân phải đi lại vài lần, tới các cơ quan khác nhau để làm thủ tục xin cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đăng ký thường trú thì nay họ chỉ việc tới một nơi là UBND cấp xã để đăng ký khai sinh “3 trong một”. Người có yêu cầu thực hiện liên thông các thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi chỉ nộp hồ sơ một lần và nhận được nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã và thời gian để giải quyết cũng được rút ngắn đi rất nhiều.
Theo tính toán của Bộ Tư pháp, mô hình một cửa liên thông này được thực hiện trên phạm vi toàn quốc sẽ giúp người dân cắt giảm chi phí lên tới gần 140 tỷ đồng từ việc giảm số lần đi lại cơ quan hành chính và từ việc không phải nộp bản sao Giấy khai sinh. 
Dần quen với Thừa phát lại
Năm 2014, chế định Thừa phát lại được đẩy mạnh thực hiện thí điểm tại 13 địa phương, tạo hiệu ứng rất tích cực trong xã hội, nhất là trong lĩnh vực lập vi bằng. Nếu như trước đây, khi được hỏi Thừa phát lại là ai thì phần lớn người dân đều tỏ rõ sự ngỡ ngàng. 
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian thí điểm, Thừa phát lại đã và đang chứng tỏ được rằng mình là “Người bạn đồng hành tin cậy” của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần tích cực bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân về một loại hình dịch vụ pháp lý mới, bước đầu khẳng định được một nghề. 
Bền bỉ “Chung tay góp phần xây dựng nông thôn mới”
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, bước sang năm 2014, phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được các tập thể, cá nhân trong Ngành nhiệt tình hưởng ứng. 
Nhiều Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố đã lựa chọn các xã thuộc các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để chỉ đạo, giúp đỡ trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ tiền, giống, vật nuôi, cây trồng; ủng hộ sách vở, vật dụng thiết yếu… 
Nhiều Sở Tư pháp, đơn vị trong ngành đã chọn các gia đình chính sách, các hộ neo đơn để tặng nhà, tặng tiền, trao “Mái ấm Tư pháp”. Những việc làm tưởng như chỉ là phong trào ấy khi được triển khai bằng nhiệt tâm của những người làm công tác tư pháp đều để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân. 
Nhìn lại một năm có thể thấy, 2014 ngành Tư pháp đã triển khai nhiều chính sách hướng đến người dân. Có những việc đã tạo nên dấu ấn cụ thể, có những việc mới là những khởi đầu. Tuy nhiên, điều chung nhất có thể dễ dàng nhìn thấy đó là ngành Tư pháp đang nỗ lực “vì dân” bằng những chính sách, những việc làm thiết thực, cụ thể. Cũng vì thế, càng ngày, công tác tư pháp càng ăn sâu, bám rễ và được nhân dân tin yêu, quý trọng.

Đọc thêm