Chú trọng đào tạo kỹ năng hành nghề
Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại cho biết: đến nay Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm 207 Thừa phát lại, trong đó có 120 Thừa phát lại đang hành nghề tại các Văn phòng Thừa phát lại. Tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã thành lập 51 Văn phòng Thừa phát lại trên số lượng tối đa 63 Văn phòng được phê duyệt.
Các Văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh đã đi vào nền nếp, các Văn phòng tại các địa phương khác cũng đã bắt đầu hoạt động và có những kết quả nhất định. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, hiện nay các địa phương đang tiếp tục xem xét, thành lập thêm các Văn phòng theo số lượng đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, sau khi có Nghị quyết số 36/2012/QH13, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại cho các địa phương mở rộng thí điểm, Bộ Tư pháp đã xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch để tổ chức 4 lớp đào tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại với tổng số 458 học viên tham dự; cấp chứng chỉ cho 458 trường hợp đạt kết quả.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng mở thêm các lớp đào tạo để tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại theo nhu cầu của các địa phương, phục vụ cho trước mắt và lâu dài.
Nhằm tăng cường năng lực cho các cơ quan có trách nhiệm triển khai thực hiện và kỹ năng nghề nghiệp cho Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai, tập huấn kỹ năng cho Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ.
Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 lớp tập huấn để triển khai với số lượng 110 người tham gia, gồm đại diện Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Tòa án, Viện kiểm sát cấp tỉnh và Trưởng Văn phòng Thừa phát lại tại các địa phương thí điểm; trong đó, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ Thừa phát lại.
Các địa phương cũng đã chủ động tổ chức tập huấn, tọa đàm, tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Hiện nay, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp đang tiếp tục triển khai các lớp tập huấn kỹ năng mới, đảm bảo trang bị cho Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng hành nghề tốt nhất.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Mặc dù vậy, cũng theo Ban Chỉ đạo, đội ngũ Thừa phát lại tại các địa phương mở rộng thí điểm còn mỏng, nhiều Văn phòng chỉ có một Thừa phát lại nên rất khó khăn; năng lực trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thật vững về chuyên môn và nghiệp vụ nên còn lúng túng trong tác nghiệp; chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản; tính chủ động chưa cao trong triển khai thực hiện các mảng công việc. Năng lực của một số Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế cả về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, do đó làm nảy sinh tâm lý e ngại từ phía các cơ quan tòa án, thi hành án khi giao văn bản để tống đạt.
Việc triển khai thí điểm được thực hiện ở những địa phương có diện tích rộng, nhiều đơn vị hành chính, nhất là các huyện thuộc khu vực miền núi cách xa trung tâm, đi lại khó khăn, trong khi đó các Văn phòng Thừa phát lại chưa đủ khả năng thực hiện được toàn diện các mảng công việc, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo xác định cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp nâng cao năng lực cho đội ngũ Thừa phát lại với nhiều hình thức như mở các lớp tập huấn chuyên đề; phát hành tài liệu hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và quản lý, điều hành Văn phòng... , bảo đảm các Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề đều được tập huấn, đặc biệt là những nội dung quy định, hướng dẫn mới, những nội dung phức tạp, dễ sai sót, vi phạm trong hành nghề…
Bên cạnh đó, tăng cường việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các Văn phòng Thừa phát lại, giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý hoạt động Thừa phát lại, giữa các địa phương với nhau; đồng thời, cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại.