Một quyết định lịch sử

(PLO) - Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 8 (khóa 12), chiều 3/10, Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. 
Hội nghị Trung ương 8. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Quyết định này của Trung ương tạo ra cảm xúc lớn. Dư luận kỳ vọng nhân sự Chủ tịch nước sẽ là người có tâm, có tầm để lãnh đạo đất nước đi lên theo kịp xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay. Những người quan tâm đến sự nghiệp phát triển của đất nước đều bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. 

Trong các nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội hiện nay, Việt Nam là nước cuối cùng thực hiện mô hình này. Trong nước, mô hình đảm nhiệm “hai vai” không phải là vấn đề mới, đã được triển khai thí điểm ở cấp địa phương trong hơn 10 năm với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không chỉ do yêu cầu đổi mới chính trị mà còn phù hợp với quan hệ đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của đất nước. Chưa bao giờ niềm tin của người dân đặt vào Tổng Bí thư ngày càng mạnh mẽ như bây giờ. Bởi vậy, đây sẽ là thời điểm chín muồi để Trung ương triển khai việc thực hiện mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Điều này bảo đảm sự thống nhất của Đảng và Nhà nước và xin nhắc lại: phù hợp với tập quán quốc tế, công tác ngoại giao. 

Hiến pháp và các quy định của pháp luật liên quan đều không có vướng mắc trong việc để người đứng đầu Đảng đồng thời đảm nhận vị trí nguyên thủ quốc gia. Không nghi ngờ gì nữa, thời gian tới sự phối hợp công việc giữa Đảng và Nhà nước, trong đó có việc chống tham nhũng, tiêu cực, chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với trước đây. Ở cơ sở, thực tế Bí thư “xắn quần” làm thay, làm nhầm việc của Chủ tịch sẽ được khắc phục.

Hiện nay, toàn Đảng nói riêng và hệ thống chính trị nói chung đang thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong tình hình đó, việc áp dụng mô hình Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là đúng và cần thiết, tạo ra “khung hệ thống” của bộ máy mãi mãi về sau. Hệ thống chính trị rườm rà, nhiều tầng nấc đã duy trì quá lâu dài và trì trệ. Do vậy, phải đánh giá đúng rằng Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là một quyết định cách mạng và lịch sử của Hội nghị Trung ương 8.

Chúng ta hy vọng, người lãnh đạo đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước tới đây tập trung nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới thể chế, cơ chế trong đó có kiểm soát quyền lực, thực thi dân chủ, tự do tư tưởng và ngôn luận trong phản biện chính sách... tạo động lực mới cho đất nước. 

Đọc thêm