Tự cổ chí kim, thời nào cũng vậy, đều đề cao sự gương mẫu của những người “trên”, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ vị trưởng tộc, trưởng bản đến quan lại triều đình và cả vua - người trị vì thiên hạ cũng phải là tấm gương sáng mẫu mực mới tạo dựng được cảnh “Vua sáng, tôi hiền, thiên hạ thái bình, trăm họ yên vui”. Thời đại chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một điển hình mẫu mực trong việc nêu gương này.
Hiện tại, để tìm một tấm gương mẫu mực trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên quả là không dễ. Có người hôm qua là anh hùng thì hôm nay đã hóa tội đồ, có người công trạng cũng nhiều mà tội trạng cũng không ít, nhiều trường hợp bị “hạ bệ” rồi mới thấy hết tâm địa xấu xa của người đó.
Vận động sống nêu gương, mẫu mực ít đi vào thực tế mà chỉ hình thức, chiếm thế thượng phong. Thậm chí, phản tác dụng như trường hợp của một bí thư tỉnh ủy được tôn vinh là gương sáng trong việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh hóa ra lại là một kẻ khai man, cướp công người khác và có những hành vi ứng xử “chướng tai gai mắt”.
Vì thế, Quy định nêu gương này được dân đón chờ và ủng hộ để những điều quy định này thực sự đi vào cuộc sống, trở lại những năm tháng tốt đẹp xưa kia: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Rất đáng chú ý là ở các nội dung quy định cụ thể về hành vi nêu gương đã liệt kê một loạt những biểu hiện tiêu cực, thoái hóa trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Đó là thói háo danh, phô trương, hứa suông, đánh bóng tên tuổi, đề cao cá nhân, tiêu dùng xa xỉ,... cùng với các hành vi trục lợi như đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài, tổ chức doanh nghiệp “sân sau”, “chống lưng”, “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy phiếu bầu”... và các biểu hiện vụ lợi khác. Đó cũng là một cách “nhìn thẳng vào sự thật”, đề ra những quy định để mà cảnh báo, ngăn ngừa.
Trong lĩnh vực pháp luật, Quy định nêu gương này chỉ rõ: “Chống việc can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,...”.
Thực sự là lòng dân mong chờ những quy định như thế đi vào cuộc sống!