Một số chính mới nổi bật có hiệu lực đầu tháng 4/2022

(PLVN) - Quy định định mức chi xúc tiến, quảng bá du lịch từ NSNN; nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại; công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là một số chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 04/2022 (từ ngày 01 - 10/4/2022).
Quy định về mức chi hỗ trợ phát triển du lịch là một trong những chính sách nổi bật có hiệu lực đầu tháng 4/2022.

Quy định hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch

Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ NSNN để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu lực từ ngày 09/4/2022.

Theo đó, ngoài việc hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về du lịch trong việc nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch trong việc triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông du lịch trong cộng đồng; Nhà nước còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo;

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng; trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

4 nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại

Nghị định 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại (NLĐN) có hiệu lực từ ngày 10/4/2022.

Theo đó, Nghị định quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm: Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp bộ trưởng, trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác; tiễn, đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao; nghi lễ dành cho trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, cơ quan chủ trì kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đón, tiếp các đối tượng khách khác.

Có 4 nguyên tắc thực hiện NLĐN được quy định như sau: Cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện NLĐN phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế; việc tổ chức NLĐN phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và Nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam; cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp NLĐN trên cơ sở đối đẳng, có đi có lại; chú trọng xử lý các khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách; Các trường hợp đặc biệt thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Thẩm quyền giám sát dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/4/2022.

Theo đó thẩm quyền giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài được quy định như sau:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; giám sát và đánh giá tổng thể dự án có vốn đầu tư nước ngoài; kiểm tra các dự án có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; dự án có quy mô lớn, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; và các dự án khác theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài trong phạm vi quản lý của địa phương; trực tiếp hoặc giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các cấp, đơn vị trực thuộc UBND cấp tỉnh giám sát, đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Đọc thêm