Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, mấy ngày qua, một số cửa hàng xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, đóng cửa hoặc cắt giảm giờ bán, lượng bán.
|
Cây xăng Ngọc Bảo ở huyện Mộc Hóa (Long An) ngừng bán. |
Riêng ở huyện Tân Hưng (Long An), hoạt động buôn bán của các cửa hàng vẫn diễn ra bình thường, giá không tăng, nhưng điều bà con bức xúc nhất là tình trạng bán xăng, dầu nhỏ giọt của cửa hàng, gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của bà con, nhất là hiện nay nông dân đang rất cần xăng, dầu phục vụ cho việc thu hoạch lúa đông xuân 2010-2011.
Đà Nẵng cương quyết rút giấy phép cây xăng găm hàng Sáng qua, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp khẩn với đại diện các đơn vị kinh doanh xăng, dầu, quán triệt chủ trương của Chính phủ về bình ổn thị trường. Đại diện 5 Cty đầu mối và gần 20 cửa hàng phân phối xăng dầu trên địa bàn TP Đà Nẵng đều khẳng định, lượng xăng dự trữ trong kho vẫn đủ để cung ứng cho thị trường. Một số số cty lớn như TCty Dầu khí miền Trung, Cty Xăng dầu khu vực 5, Cty xăng dầu quân đội khu vực II… đang dự trữ lượng xăng vượt từ 20-30% so với nhu cầu của thị trường. Theo Sở Công thương TP Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa phát hiện cửa hàng xăng dầu nào có dấu hiệu “găm” hàng, chỉ có một cây xăng trên địa bàn quận Liên Chiểu ngừng bán do bị hỏng. Sở Công thương TP Đà Nẵng yêu cầu: Từ ngày 22/2, tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải công khai giờ mở - đóng cửa, giá bán niêm yết. Hàng ngày, các cty, đại lý cung ứng xăng dầu phải báo cáo số lượng xăng dầu bán ra thị trường. Nếu đơn vị nào bị phát hiện “găm” hàng để chờ tăng giá, dù chỉ một lần cũng bị thu hồi giấy phép. |
Anh Nguyễn Thanh Hùng, nhân viên Điện lực Tân Hưng cho biết, anh đến cửa hàng đổ xăng xe để đi công tác, nhưng cửa hàng chỉ bán cho anh 20 ngàn đồng. Với lượng xăng như thế không đủ để anh đi từ thị trấn Tân Hưng về đến nơi công tác.
Còn anh Lê Văn Thoảng, ngụ xã Hưng Điền cho hay: “Tôi có 5 ha lúa đang trong giai đoạn thu hoạch, do vậy cần khá nhiều dầu cho máy cắt và máy cày hoạt động để chở lúa. Thế nhưng, theo quy định tôi chỉ được mua 100 ngàn đồng dầu. Số dầu này chỉ giống như muối đổ biển mà thôi”.
Ông Nguyễn Công Trường, chủ DNTN Hồng Nhật ở thị trấn Tân Hưng thì bức xúc: “Không đủ xăng dầu cho máy móc hoạt động nên mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh phải đình trệ, thậm chí là phải ngừng hoạt động, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế”.
Trước tình hình này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã tổ chức kiểm tra đồng loạt ở 14 huyện và thành phố Tân An, phát hiện một số cây xăng có dấu hiệu vi phạm. Ngày 21/2, Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra ở 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ.
Tại huyện Đức Hòa đã phát hiện cửa hàng xăng dầu Khắc Huy đóng cửa với lý do ngừng bán để sửa chữa mặt sân.
Tại huyện Đức Huệ, phát hiện cây xăng Toàn An đóng cửa với lý do chủ cơ sở bị bệnh. Đội quản lý thị trường số 2 kiểm tra các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, các cây xăng bán bình thường, nhưng số lượng bán hạn chế.
Qua kiểm tra thực tế ở một số cây xăng ở huyện Mộc Hóa như cửa hàng xăng dầu Khánh Dương, Tư Gánh, Út Bé, Bình Phong Thạnh, cửa hàng hết xăng do Tổng đại lý Saigon Petro làm chủ đầu mối không giao hàng về. Đội quản lý thị trường số 6 kiểm tra ở 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước cũng có hiện tượng ngừng bán xăng với nhiều lý do.
Trao đổi với phóng viên vào chiều 22/2, ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết: Sở Công Thương cũng đang kiểm tra tình hình xăng dầu tại các huyện biên giới như Tân Hưng,Vĩnh Hưng, Mộc Hóa.
Việc Công ty xăng dầu Long An qui định như nêu trên chỉ là giải pháp tình thế vì hiện nay, Tổng công ty xăng dầu Petrolimex chỉ đưa về khoảng 40% lượng hàng nên thiếu lượng cung cấp cho người tiêu dùng. Mặt khác, qui định này cũng nhằm hạn chế việc buôn lậu xăng dầu sang Campuchia để thu lợi nhuận từ 5.000-6.000 đồng/lít.
Ngành Công Thương đã yêu cầu các đầu mối xăng dầu nhanh chóng đưa đủ số hàng về tỉnh Long An, góp phần phục vụ lâu dài cho nông dân, doanh nghiệp và chủ các phương tiên giao thông.
Thanh Tuấn - Thanh Bình