Một số dự án hạ tầng giao thông: Chưa được hài lòng với tỷ lệ giải ngân

(PLO) - Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng năm 2018, việc giải ngân trong đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) ở Bộ này vẫn còn chậm, cần truy trách nhiệm người đứng đầu, cố gắng tỷ lệ giải ngân đạt cao hơn trong những năm tiếp theo.
Ba năm liền, Bộ GTVT giải ngân thấp so với kế hoạch
Ba năm liền, Bộ GTVT giải ngân thấp so với kế hoạch

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ GTVT diễn ra hôm qua (11/1), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi này đối với tình trạng nhiều dự án XDCB được tiến hành chậm, dẫn đến việc giải ngân không đúng tiến độ, có tiền nhưng không thể thanh toán do khối lượng công việc chưa hoàn thành.

Đồng thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị cần rà soát các chủ đầu tư, đơn vị triển khai chậm dự án khiến vốn không thể giải ngân, đồng thời có chế tài mạnh để xử lý. “Anh nào làm chậm, không giải ngân được thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu”, ông Thể nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, rất quan trọng của Bộ. So với những Bộ khác, Bộ GTVT là đơn vị sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, việc các dự án được thu xếp vốn đã được bàn bạc, cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Hiện nay có tình trạng một số dự án dư vốn, nhưng các đơn vị lại không báo cáo kịp thời, do đó không thể chuyển số vốn dư đó cho các dự án đang đói vốn. “Không thể để tình trạng này tiếp diễn mãi”, ông Thể nói và đề nghị các đơn vị liên quan cùng bàn bạc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để những hạn chế trên được khắc phục trong những năm tới.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, năm 2018, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư phát triển với tổng các nguồn vốn là 27.233 tỷ đồng, bao gồm 14.147 tỷ đồng vốn nước ngoài, 5.858 tỷ đồng vốn trong nước, 3.142 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), 2.936 tỷ đồng vốn từ năm 2017 kéo dài sang năm 2018, 1.149 tỷ đồng vốn từ năm 2016 kéo dài đến năm 2018.

Trên cơ sở nguồn vốn trên, năm qua, Bộ GTVT đã bố trí vốn cho 37 dự án ODA (16 dự án để quyết toán, 7 dự án hoàn thành trong năm, 14 dự án chuyển tiếp); 19 dự án giao thông trong nước (12 dự án quyết toán; 7 dự án chuyển tiếp); 40 dự án sử dụng vốn TPCP dư từ Dự án Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh quan đoạn Tây Nguyên (7 dự án để quyết toán; 25 dự án chuyển tiếp; 8 dự án khởi công mới)…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Nhật, về tổng quan, kế hoạch vốn nước ngoài và vốn TPCP được bố trí đầy đủ so với nhu cầu của năm 2018; còn nguồn vốn NSNN, đặc biệt là vốn đối ứng các dự án ODA kế hoạch được bố trí thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Giải ngân kém, dự án chậm thì xem xét không bố trí dự án tiếp theo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, dự kiến đến hết thời điểm chỉnh lý quyết toán NSNN (31/1/2019), Bộ GTVT sẽ giải ngân được khoảng 90,3%, tương đương 23.785 tỷ đồng. Do đó, nguồn vốn nước ngoài phải giảm trừ 1.835 tỷ đồng, vốn TPCP phải kéo dài giải ngân 1.130 tỷ đồng sang năm 2019.

Theo thống kê của Bộ GTVT, năm 2016, đơn vị này giải ngân đạt 81%, năm 2017 là 72% và năm 2018 khoảng  hơn 90%. Như vậy, ba năm liền, việc giải ngân của Bộ này không năm nào đạt 100% kế hoạch.

Theo lý giải của ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông (Bộ GTVT), có nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc giải ngân chậm. Theo đó, có đơn vị chủ đầu tư hoặc Ban QLDA đăng ký nhu cầu kế hoạch cao hơn khả năng, không lường trước được những khó khăn về thủ tục đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, các sự cố công trình, thời tiết bất lợi… 

Ngoài ra, theo Luật Đầu tư công, thời gian giải ngân được kéo dài sang năm sau dẫn đến các đơn vị xây dựng nhu cầu giải ngân ở mức cao với tâm lí vốn không giải ngân hết sẽ được kéo dài để thực hiện trong năm sau. Đặc biệt, nhiều đơn vị chưa quản lí chặt tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện dự án, từ đó dẫn đến không điều chỉnh đầu tư cho phù hợp…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để việc giải ngân đúng kế hoạch, cần nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư, các Ban QLDA, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. “Đơn vị nào quản trị kém, giải ngân kém, dự án chậm thì xem xét không bố trí dự án cho những năm tiếp theo”, ông Thể nhấn mạnh. 

Năm 2019, Bộ GTVT sẽ được bố trí khoảng 28.912 tỷ đồng

Năm 2019, Bộ GTVT đề nghị được phân bổ số vốn là 28.912 tỷ đồng (trên tổng số 36.645 tỷ đồng được Bộ Kế hoạch đầu tư thông báo dự kiến). Trong đó, nguồn vốn nước ngoài được đề nghị là 9.775 tỷ đồng cho 51 dự án ODA; nguồn vốn ngân sách trong nước là 6.536 tỷ đồng (vốn đối ứng các dự án ODA là 3.354 tỷ đồng, vốn XDCB các dự án giao thông là 3.040 tỷ đồng…); nguồn vốn TPCP là 12.601 tỷ đồng.

Đọc thêm