Một số nước dỡ bỏ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Giới chức Hà Lan và một số nước trên thế giới tuyên bố “trở lại bình thường”, mở cửa trở lại với việc dỡ bỏ phần lớn các biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 được áp đặt trong thời gian qua.

Theo Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 15/2, Bộ trưởng Y tế Hà Lan Ernst Kuipers thông báo, từ ngày 18/2 tới, Chính phủ Hà Lan sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. “Đất nước chúng ta sẽ mở cửa trở lại... thật hạnh phúc khi chúng ta đang ở trong một giai đoạn khác”, ông Kuipers nói. Bộ trưởng Y tế Hà Lan Kuipers lạc quan về tình hình nhưng vẫn khuyến cáo người dân thận trọng. “Chúng ta vừa mới bước qua thời kỳ đỉnh về số ca mắc mới, đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta nên cẩn thận”, ông nói.

Nhà hàng, quán bar trên một con phố ở Nijmegen, Hà Lan hồi tháng 1 vừa qua.

Nhà hàng, quán bar trên một con phố ở Nijmegen, Hà Lan hồi tháng 1 vừa qua.

Theo thông báo của giới chức Hà Lan, việc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch ở nước này sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, Chính phủ Hà Lan dỡ bỏ lệnh cấm không tập trung quá 4 người trong nhà và làm việc trực tuyến. Bắt đầu từ ngày 18/2, các quán bar và nhà hàng cũng như tất cả các địa điểm khác trên cả nước sẽ được phép mở cửa đến 1h00 sáng (0h00 GMT). Từ ngày 25/2, các địa điểm này sẽ hoạt động theo giờ thông thường như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Từ cuối tháng này, các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được hủy bỏ ở những nơi công cộng nhưng du khách khi đến Hà Lan sẽ cần phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm phòng đầy đủ, đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cùng với đó, người dân khi đến các địa điểm có sức chứa dưới 500 người sẽ không phải có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Quy định bắt buộc về việc giãn cách xã hội 1,5 m và đeo khẩu trang trong các nhà hàng và trường học cũng sẽ được hủy bỏ. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng dịch sẽ vẫn được áp dụng như việc xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào các địa điểm thi đấu thể thao có sức chứa từ 500 người trở lên. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các sân bay cũng vẫn được duy trì để bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước dịch bệnh.

Thông báo của giới chức Hà Lan được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 kỷ lục do biến thể Omicron ở nước này đã không dẫn đến cao điểm về số ca nhập viện. Theo Viện Sức khỏe cộng đồng và môi trường quốc gia của Hà Lan (RIVM), từ ngày 7 đến 13/2, số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này đã giảm 22% so với tuần trước. Tổng số bệnh nhân mới nhập viện là 1.149 người, giảm so với con số 1.393 người được ghi nhận trong tuần trước đó.

Cũng trong ngày 15/2, Chính phủ Latvia đã thông qua một kế hoạch gồm 3 giai đoạn để dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 vào tháng 4 tới. Theo kế hoạch của giới chức Latvia, các biện pháp phòng dịch sẽ được nới lỏng từng bước, có tính đến sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch trên, có hiệu lực từ ngày 16/2, trẻ em sẽ không cần chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 để được hưởng các dịch vụ hoặc tham dự một sự kiện. Với tỷ lệ mắc COVID-19 được dự báo sẽ bắt đầu giảm từ cuối tháng này, Bộ Y tế Latvia đã đề xuất nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng chống COVID-19 từ tháng 3 tới.

Còn tại Cyprus, ngày 15/2, Bộ trưởng Y tế Michalis Hadjipantelas thông báo, Chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 do số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở nước này trong những ngày gần đây không tăng thêm. Theo Bộ trưởng Hadjipantelas, quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/2 tới ngày 14/3, trong đó quan trọng nhất là bỏ quy định phân biệt giữa những người đã tiêm chủng và những người chưa tiêm chủng liên quan đến việc ra/vào các khu vui chơi giải trí và tham dự các sự kiện xã hội và thể thao. Một số quốc gia châu Âu khác cũng đang dần nới lỏng các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ví dụ, tại Pháp, các câu lạc bộ đêm có thể mở cửa trở lại vào từ ngày 16/2, sau khi đã phải đóng cửa từ ngày 10/12/2021.

Tại Canada, Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos ngày 15/2 cũng đã công bố một số điều chỉnh về quy định của nước này đối với đi lại quốc tế. Theo đó, những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ sẽ không bị bắt buộc xét nghiệm PCR trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này. Thay vào đó, hành khách dù vẫn phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Canada nhưng có thể chọn xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm phân tử. Giới chức Canada sẽ tiến hành xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ Canada cũng chỉ khuyến cáo người dân thận trọng các chuyến đi với những mục đích không thiết yếu thay vì tránh như trước đây. Chính sách mới nêu trên sẽ có hiệu lực tại Hà Lan từ ngày 28/2 tới.

Tại châu Á, CNA đưa tin, lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 bao gồm thành viên từ nhiều Bộ trong Chính phủ Singapore sau cuộc họp ngày 16/2 thông báo Singapore sẽ đơn giản hóa các quy định về phòng, chống dịch và loại bỏ yêu cầu về giãn cách xã hội trong trường hợp có khẩu trang. Các quy định này sẽ áp dụng từ ngày 25/2, tập trung vào 5 “biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất” bao gồm quy mô nhóm, đeo khẩu trang, yêu cầu tại nơi làm việc, khoảng cách an toàn và giới hạn sức chứa.

Trong khi đó, một biện pháp nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh, Reuters cho hay, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo vừa thông báo, Chính phủ nước này đã nhất trí với một hiệp ước lao động mới nhằm tạo tính uyển chuyển cho thị trường lao động. Theo hiệp ước, người lao động tại Bỉ sẽ được làm việc 4 ngày trong một tuần và nếu cần và được công đoàn đồng ý, có thể làm việc 10 tiếng/ngày thay vì tối đa 8 tiếng như hiện nay mà lương không thay đổi. Người lao động tại Bỉ cũng có thể chọn tuần này làm nhiều giờ hơn để bù lại tuần sau làm ít hơn nhằm xoay sở tốt hơn giữa cuộc sống với công ăn việc làm, trong trường hợp phải thay nhau chăm con hoặc các tình huống khác.

Theo ông De Croo, đại dịch COVID-19 buộc mọi người phải làm việc linh động hơn, phối hợp giữa đời sống riêng tư với đời sống làm việc. “Việc này dẫn đến các phương thức làm việc mới”, Thủ tướng Bỉ lý giải về những thay đổi nói trên.